Một thành phố Trung Quốc sở hữu 1.000km đường sắt muốn chia sẻ kinh nghiệm làm metro với Hà Nội
Tỉnh này đề xuất hợp tác phát triển đường sắt với Hà Nội, mở ra kỳ vọng về mạng lưới metro hiện đại cho Thủ đô trong tương lai.
Tại buổi tiếp xã giao Đoàn đại biểu TP. Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 4/7 do ông Trần Hướng Tân, Phó Bí thư Thành ủy Quảng Châu dẫn đầu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội đặc biệt coi trọng hợp tác với các địa phương Trung Quốc, trong đó có Quảng Châu – thành phố có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng hợp tác lớn với Thủ đô Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Trần Hướng Tân nhấn mạnh, nền tảng hợp tác hữu nghị giữa hai thành phố đang ngày càng được củng cố và phát triển. Trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, ông đặc biệt gợi mở việc đẩy mạnh phát triển giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống đường sắt, lĩnh vực mà Quảng Châu có nhiều kinh nghiệm.
Hiện nay, Quảng Châu đã xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt với tổng chiều dài hơn 1.000km, trong đó có khoảng 700km đường sắt đô thị và 338km đường sắt liên tỉnh. Ngoài ra, thành phố này còn khai thác các tuyến tàu điện trên đường ray riêng biệt. Những con số này phản ánh quy mô phát triển hạ tầng giao thông tiên tiến mà Quảng Châu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Hà Nội.
Đáp lại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao gợi ý hợp tác từ phía Quảng Châu, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt – một trong những trụ cột giao thông trọng tâm mà Hà Nội đang ưu tiên phát triển trong quá trình đổi mới đô thị.
Ông Phong cho biết, Hà Nội đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu trở thành thành phố kết nối toàn cầu vào năm 2030. Trong lộ trình đó, giao thông công cộng hiện đại, thân thiện môi trường – đường sắt đô thị là hạt nhân sẽ đóng vai trò then chốt.
![]() |
Quang cảnh buổi tiếp đoàn đại biểu tỉnh Quảng Châu. Ảnh: Vương Vân |
>> Việt Nam sắp có có tuyến đường sắt chiến lược dài 472km, nối thẳng từ biên giới đến cảng biển
Hiện nay, Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hệ thống đường sắt, cả về quy mô lẫn công nghệ vận hành. Việc học hỏi kinh nghiệm triển khai quy hoạch, xây dựng và quản lý từ các thành phố đi trước như Quảng Châu được xem là cơ hội lớn giúp Thủ đô đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông.
Phía Hà Nội đề xuất hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp thành phố cũng như giữa các sở, ngành chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt và giao thông công cộng. Hà Nội sẵn sàng tiếp thu các mô hình thành công của Quảng Châu, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển đô thị của mình.
Bên cạnh hợp tác giao thông, lãnh đạo hai thành phố cũng thống nhất tiếp tục thúc đẩy giao lưu thanh niên, hợp tác văn hóa, du lịch và thương mại – những lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, toàn diện của cả hai bên.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ tin tưởng chuyến công tác lần này của Đoàn đại biểu Quảng Châu sẽ mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai thành phố, trong đó có những bước đi thiết thực và hiệu quả trong lĩnh vực đường sắt đô thị – một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội hiện nay.