Bất ngờ 5 thói quen tưởng vô hại nhưng có thể kéo lượng đường trong máu tăng đột biến, người mắc tiểu đường tuyệt đối không chủ quan
Đường huyết đóng vai trò quan trọng với sức khỏe và là yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng vì hằng ngày, mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn khi lượng đường trong máu của mình ở mức lành mạnh. Đối với bệnh nhân tiểu đường, về lâu dài, đây là điều tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường xảy ra.
Theo Mayo Clinic, các biến chứng của bệnh tiểu đường bao gồm tổn thương thần kinh, bệnh thận, tổn thương mắt, bệnh tim và đột quỵ.
Gregory Dodell, chuyên gia về nội tiết tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, Thành phố New York, Mỹ cho biết : “Nhiều người mắc bệnh tiểu đường gặp rắc rối với thực phẩm chế biến sẵn có chứa đường mà họ không hề biết”. Dù vậy, bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp với bệnh tiểu đường, kết hợp hoạt động thể chất hằng ngày, dùng thuốc (nếu được bác sĩ khuyên dùng) và thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu, bạn có thể kiểm soát tốt hơn bệnh tiểu đường loại 2 .
Tuy nhiên, có một số tác nhân gây ra lượng đường trong máu cao nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Những yếu tố như vậy có thể gây khó khăn cho việc theo dõi lượng đường huuyết. Dưới đây là 5 nguyên nhân ít ngờ tới nhưng lại là tác nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng trong ngày, điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi lượng thức ăn của 22 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng như lượng đường trong máu của họ trong 2 ngày. Nghiên cứu cho thấy khi họ bỏ bữa sáng, lượng đường trong máu của họ cao hơn trong cả ngày. Theo các nhà nghiên cứu, việc bỏ bữa sáng có thể ức chế chức năng của tế bào beta ở tuyến tụy, nơi sản xuất insulin.
Tuy nhiên, chỉ bữa sáng thôi sẽ không đủ để giữ lượng đường trong máu ổn định. Những gì bạn ăn vào bữa sáng cũng rất quan trọng. Bạn nên chọn những bữa ăn sáng cân bằng, chứa nhiều chất dinh dưỡng, ít calo để tốt cho bệnh tiểu đường chẳng hạn như trứng bác với rau bina hay nấm và cà chua.
Không hoạt động thể chất
Tập thể dục rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài việc giúp bạn duy trì cơ thể khỏe mạnh và giảm cân, giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim, hoạt động thể chất còn làm tăng độ nhạy insulin của cơ thể và giúp tế bào loại bỏ glucose khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng. Trên thực tế, theo một đánh giá, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể giảm sự phụ thuộc vào thuốc hạ đường huyết và insulin bằng cách tập thể dục thường xuyên.
Ngược lại, không vận động có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nghiên cứu cho thấy, kể cả ở những người khỏe mạnh, chỉ cần giảm vận động trong ba ngày sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, khi tăng cường hoạt động thể chất, hãy chú ý các dấu hiệu của lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết trong khi tập thể dục. Theo nguyên tắc chung, hãy kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục, cũng như khi bạn không chắc chắn cơ thể của mình sẽ có phản ứng như thế nào. Nếu đường huyết xuống quá thấp, hãy điều chỉnh cường độ tập thể dục.
Căng thẳng
Căng thẳng làm tăng lượng đường trong máu bởi nó làm tăng hormone cortisol. Khi cortisol tăng lên, nó khiến chúng ta ít nhạy cảm hơn với insulin của chính cơ thể hoặc với việc tiêm insulin.
Cách tốt nhất để giảm căng thẳng và kiểm soát hormone là hãy đi bộ 5 phút hoặc hít thở sâu 10 lần để thở chậm lại. Có những thói quen thường xuyên mà bạn có thể thực hiện như việc thiết lập thói quen tập thể dục hoặc thiền định hằng ngày.
Thiếu ngủ
Đã có nhiều cuộc khảo sát về mối liên hệ giữa giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe. Theo Sleep Foundation, phần lớn các nghiên cứu liên quan đến bệnh tiểu đường đều cho thấy điều tương tự: Ngủ không đủ có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Các khuyến nghị về giấc ngủ dành cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đều giống nhau là đặt mục tiêu ngủ từ 7 - 9 tiếng cho nguời dưới 65 tuổi và 7 - 8 tiếng mỗi đêm cho người từ 65 tuổi trở lên, theo hướng dẫn đã được xuất bản của Sleep Foundation.
Thiếu ngủ sẽ kích hoạt việc giải phóng hormone gây căng thẳng cortisol đồng thời làm giảm lượng insulin tiết ra khi bạn ăn, làm tăng hormone gây đói trong cơ thể, khiến việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh trở nên khó khăn hơn. Trong một nghiên cứu, khi đàn ông và phụ nữ giảm 1/3 thời gian ngủ hàng đêm, họ ăn thêm 559 calo vào ngày hôm sau.
Chăm sóc răng miệng kém
Bệnh về nướu răng từ lâu đã được coi là một biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nướu răng không khỏe mạnh thực sự có thể làm tăng lượng đường trong máu. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như gây viêm khắp cơ thể, cả hai đều có thể là yếu tố làm tăng lượng đường huyết.
ADA khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên chăm sóc nướu nhiều hơn bằng cách đánh răng hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa và đến gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra.
Theo Everyday Health
Nguyên nhân khiến tài xế đạp nhầm chân ga khi lái xe ô tô: Đây là cách khắc phục cần biết
Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này