Loại quả dại giá rẻ ở châu Âu về Việt Nam bỗng thành "ngọc quý", được săn lùng với giá vài triệu đồng/kg
Loại quả này thực chất là loại cây dại mọc trước sân nhà nhiều gia đình tại một số quốc gia.
Nho chuỗi ngọc có tên khoa học là Ribes nigrum, tên tiếng Anh là black currant, tiếng Pháp là cassis. Quả có bề ngoài bóng láng, màu tím thẫm gần như đen. Ngoài ra còn có giống màu đỏ gọi là red currant và màu trắng là white currant, thông dụng nhất vẫn là black currant - màu đen. Nho chuỗi ngọc có hoạt chất tương tự dâu tằm, sim, thanh long đỏ của Việt Nam, hỗ trợ trị cảm cúm, hạ sốt, rối loạn tiêu hóa, hô hấp; là cây dại giá rẻ ở Châu Âu.
Cây này có nguồn gốc ở vùng Trung và Bắc Âu cũng như Bắc Á, là loại thân bụi. Hiện nay cây được canh tác chủ yếu để khai thác quả và một phần lá làm hương liệu. Tương tự một số quả khác như dâu tằm, việt quất (blueberry), nho chuỗi ngọc chứa nhiều vitamin C và các chất chống ôxy hóa. Các hợp chất anthocyanin làm cho quả có màu tím đen và một số polyphenol khác khiến nó có vị chát.
Nho chuỗi ngọc được dùng trong y học cổ truyền của các nước. Dịch quả cho vào thức uống được xem là có tác dụng điều trị cảm lạnh, cảm cúm, hạ sốt… Trong y học Australia, trái này dùng để hỗ trợ điều trị viêm nhiễm, các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch. Dầu trích từ hạt nho chứa nhiều hoạt chất có thể giúp chống viêm, chống nhiễm trùng, phòng và trị một số bệnh về rối loạn thần kinh. Ngoài ra lá, cành và rễ cũng được dùng như một bài thuốc dân gian.
Nho chuỗi ngọc có thể ăn tươi, song mùi rất nồng, vị chua và hơi chát nên thường được chế biến thành các loại thức uống, sirô, mứt, nhân bánh ngọt, kem, các loại nước sốt cho thịt và cá... Đặc biệt sirô làm từ quả này ở Pháp gọi là crème cassis dùng để pha với rượu vang trắng hoặc rượu champange thành một thứ rượu khai vị gọi là “Kir”. Các chế phẩm từ loại quả này được pha loãng hoặc dùng như một thành phần để chế biến thành sản phẩm khác (nhân bánh, tạo màu và mùi cho kem, yogurt).
Nho chuỗi ngọc tốt cho sức khỏe song không nên "thần thánh hóa" công dụng của nó. Thực tế các hoạt chất trong thành phần của nó cũng tương tự như một số quả có màu đỏ hoặc tím khác thường gặp. Ở Việt Nam, quả dâu tằm, sim hoặc thanh long ruột đỏ cũng chứa nhiều hợp chất anthocyanin tương tự.
Quả nho chuỗi ngọc có mùi đặc trưng và màu bắt mắt nên tạo "cơn sốt" săn lùng của giới đại gia với giá vài triệu đồng một kg. Đôi khi lý do đơn giản là các loại trái cây ngoại có xuất xứ từ các nước Tây Âu nên đã được các nhà khoa học nghiên cứu khá nhiều, các kết quả công bố mang tính quốc tế nên độ tin cậy cao.
Ngược lại một số trái cây trong nước thuộc loại trái cây nhiệt đới ít được nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu được công bố trong nước chưa mang tầm cỡ quốc tế nên không được phổ biến rộng rãi. Sự thật thì một số trái cây trong nước có những công dụng tương tự hoặc thêm nhiều lợi ích khác.
Chị M.H., một Việt kiều đang định cư tại Copenhagen, Đan Mạch, chia sẻ với VnExpress rằng rất ngạc nhiên khi thấy người trong nước bỏ hàng triệu đồng ra để mua từng kg nho chuỗi ngọc. Ở Đan Mạch, loại trái này mọc dại ven bờ bụi rậm. Có người thích thì mang về trồng trong vườn bởi cây rất dễ sống, khi trưởng thành cao khoảng 1,4 m, có nhiều nhánh.
"Cây nho chuỗi ngọc thường cho trái vào mùa hè, rất sai quả. Vị của nó rất chua nên không thể ăn sống như dâu tây hoặc các loại dâu ngọt khác. Một số bạn của tôi gọi nó là lái quả hoặc trái lý", chị Mai Hiên chia sẻ.
Cũng theo chị Mai Hiên, nho chuỗi ngọc được bán nhiều tại các tiệm rau xanh hoặc siêu thị ở Đan Mạch với giá rẻ 40 kr một kg quả tươi (khoảng 120.000 đồng). Các chế phẩm từ trái này như saftevand (nước pha loãng từ si rô) hay gele để ăn bánh mì và làm gia vị nấu ăn còn có giá rẻ hơn.