Bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm hiện đang xuất hiện một vài điểm sáng, cho thấy những dự báo tích cực hơn về tốc độ tăng trưởng.
Financial Times (FT) đưa tin, đà tăng trưởng tại các nền kinh tế như Mỹ và Ấn Độ đang có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng gần đây, giúp khơi dậy sự lạc quan rằng tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 sẽ cao hơn một chút so với số liệu năm ngoái.
Thước đo hiệu suất của nền kinh tế Mỹ - dựa trên các thông số về niềm tin, thị trường tài chính và hoạt động thực tế - đã phục hồi lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022, mang tới một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn đang ảm đạm.
Ấn Độ cũng chứng kiến mức tăng trưởng tương tự, theo báo cáo mới nhất của chỉ số Brookings-FT (hay Tiger) về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: FT |
Các số liệu này được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị gặp nhau tại Washington (Mỹ) trong tuần này để dự chuỗi sự kiện mùa xuân hàng năm của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước thềm sự kiện, IMF đã cảnh báo về một thập kỷ tăng trưởng đáng thất vọng và nguy cơ bất mãn của công chúng ngày càng lớn khi các Ngân hàng Trung ương tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát và Chính phủ các quốc gia phải vật lộn với khoản nợ công khổng lồ.
Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị còn đang đè nặng lên triển vọng kinh tế toàn cầu, bao gồm căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau khi Iran cuối tuần trước phóng một loạt máy bay không người lái và tên lửa vào Israel để trả đũa cuộc tấn công bị nghi ngờ là của Israel ở Damascus, Syria.
Chuyên gia cấp cao Eswar Prasad tại Viện Brookings nhận định chỉ số Tiger mang đến “dự báo tích cực” về sự tăng trưởng nhẹ của kinh tế toàn cầu trong năm nay so với năm 2023. Trong đó, Mỹ đã khẳng định mình là động lực tăng trưởng chính cho sự khởi sắc này.
Ông Prasad bình luận, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, nền kinh tế Mỹ vẫn đang “đi lên” và thậm chí một cuộc suy thoái nhẹ cũng khó có thể xảy ra.
Vị chuyên gia nói thêm: “Mỹ tiếp tục khiến mọi người phải ngạc nhiên khi chứng minh dược khả năng phục hồi đáng kể, với thị trường lao động ‘nóng’ và giá cổ phiếu tăng mạnh. Từ đó khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy nhu cầu trong nước”.
Mỹ và Ấn Độ có thể là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.Ảnh: FT |
Sức bền của nền kinh tế Mỹ, kết hợp với tình trạng lạm phát dai dẳng, đã dập tắt suy đoán rằng Fed có thể hạ lãi suất ngay sau tháng 6. Điều này cũng dẫn đến việc thị trường phải điều chỉnh lại thời điểm các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ sẵn sàng quay lại chính sách tiền tệ thắt chặt của họ.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng nổi lên trong phân tích của Tiger với các chỉ số tăng trưởng mạnh, trong khi các nền kinh tế lớn hơn ở châu Âu bao gồm Đức và Anh vẫn trong yếu kém.
Prasad nhận định: “Đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với xung đột địa chính trị, chính sách bảo hộ và lạm phát dai dẳng”.
Đồng thời, ông nhận thấy rằng Trung Quốc vẫn đang “mấp mé quanh giảm phát” với các chỉ số niềm tin ở mức thấp.
Cả Trung Quốc và Đức dường như đang trông chờ vào nhu cầu bên ngoài trở nên tích cực hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng Prasad cảnh báo điều này có thể cản trở đà phục hồi và làm gia tăng căng thẳng thương mại.
>> IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhưng khẳng định Trung Quốc vẫn là ‘rủi ro tiềm ẩn’