Nhà đầu tư tháo chạy, USD lao dốc: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?
Khi giá cổ phiếu Mỹ lao dốc trong tháng này, John Sidawi, một nhà quản lý quỹ tại Federated Hermes, đã nhận thấy một hiện tượng kỳ lạ.
Đồng USD, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong những đợt bán tháo trên thị trường, lần này lại không tăng giá như thường lệ. Thay vào đó, nó sụt giảm nhanh chóng khi dòng tiền nóng chảy vào vàng, đồng yên Nhật, cổ phiếu châu Âu, gần như bất cứ đâu ngoại trừ Mỹ.
“Đây là điều bất thường và rất đáng chú ý”, Sidawi nhận định. “Trong bối cảnh mà USD lẽ ra phải thể hiện vai trò là tài sản an toàn, thì điều đó lại không xảy ra”.

Giống như những biến động dữ dội gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu, nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu bắt nguồn từ Tổng thống Donald Trump.
Chỉ hai tháng sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, những chính sách thuế quan leo thang và nỗ lực đảo ngược hàng thập kỷ toàn cầu hóa của ông đang làm lung lay niềm tin vào đồng USD, đồng tiền đã giữ vị thế trung tâm trong hệ thống tài chính thế giới suốt tám thập kỷ qua.
Trong 3 tháng qua, USD đã mất giá gần 3% so với hầu hết 31 đồng tiền chính, ghi nhận mức khởi đầu năm tệ nhất kể từ 2017. Giá vàng, một kênh trú ẩn thay thế, đã lập kỷ lục trên 3.000 USD/ounce.
Từ giữa tháng 3, các nhà đầu cơ bắt đầu đặt cược chống lại USD vì lo ngại các chính sách của Trump có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

“Thay vì là pháo đài ổn định và lựa chọn trú ẩn hàng đầu, USD giờ đây lại trở thành điều ngược lại”, Michael Brown, chiến lược gia cấp cao tại Pepperstone, một trong những công ty môi giới ngoại hối lớn nhất London, nhận xét.
Mặc dù suy yếu gần đây, sức mạnh của USD chưa bị bào mòn đáng kể do đồng tiền này đã tăng giá mạnh trước đó nhờ nền kinh tế Mỹ vững chắc và lãi suất cao. USD vẫn giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống tài chính toàn cầu, là đồng tiền dự trữ của phần lớn ngân hàng trung ương và được sử dụng rộng rãi để định giá hàng hóa như dầu mỏ. Hiện tại, chưa có một đối thủ thay thế nào đủ mạnh để thách thức sự thống trị của nó.
“Sự trỗi dậy hay suy yếu của một đồng tiền không thể xảy ra chỉ vì một Tổng thống có chính sách chống toàn cầu hóa”, giáo sư Carmen Reinhart của Đại học Harvard, cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, bình luận. “USD không thể một sớm một chiều bị thay thế như cách nó từng vượt qua đồng bảng Anh để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu”.
Nguy cơ suy yếu dài hạn
Tuy nhiên, các động thái của ông Trump đang làm dấy lên những cuộc thảo luận lâu nay về việc các quốc gia có thể đẩy nhanh nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD. Ở châu Âu, một số lãnh đạo đang tìm cách tăng cường vai trò của đồng euro bằng cách tạo ra thị trường vốn lớn hơn và thanh khoản cao hơn để có thể cạnh tranh với USD. Một số nước đang phát triển cũng đã đề xuất ý tưởng hợp tác để thách thức sự thống trị của đồng bạc xanh.
Ông Trump từng tuyên bố muốn duy trì vị thế toàn cầu của USD, thậm chí từng đe dọa trả đũa bất kỳ quốc gia nào tìm cách giảm phụ thuộc vào nó.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, ông cũng từng ám chỉ rằng một đồng USD yếu sẽ giúp hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn. Điều này khiến nhiều nhà phân tích đặt giả thuyết rằng Trump có thể đang dùng chiến tranh thương mại để gây sức ép, buộc các nước khác phải nhượng bộ trong một thỏa thuận có lợi cho Mỹ, dù Nhà Trắng chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về kế hoạch này.
Nhưng hai mục tiêu này dường như đang đi ngược lại chính sách biệt lập của ông Trump, vốn đã khiến nhiều đồng minh xa lánh.
Hôm thứ Năm, Jane Foley, chiến lược gia của Rabobank tại London, nhận định rằng các chính sách thương mại của ông Trump, cùng với việc Mỹ rút khỏi các liên minh quân sự và những tuyên bố gây tranh cãi như đề xuất sáp nhập Canada hoặc mua lại Greenland, “có thể đẩy nhanh xu hướng phi đô la hóa và làm suy yếu giá trị của USD”.
Tại Deutsche Bank, George Saravelos, giám đốc chiến lược ngoại hối toàn cầu, cảnh báo rằng khả năng USD mất vị thế trú ẩn an toàn “cần được xem xét nghiêm túc”.
Trên thị trường tài chính, mối quan tâm trước mắt vẫn là tác động tức thời của các chính sách này.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong tuần này, chỉ số S&P 500 giảm thêm 2% vào thứ Sáu sau khi Trump áp thuế lên ô tô nhập khẩu. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao kế hoạch thuế quan mới, dự kiến công bố vào ngày 2/4, ngày mà Trump gọi là “Ngày Giải Phóng”, dựa trên niềm tin rằng tăng cường hàng rào thuế quan sẽ tạo việc làm trong nước.

Về lý thuyết, tăng thuế nhập khẩu sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa ngoại và hỗ trợ sản xuất trong nước, từ đó giúp USD tăng giá. Nhưng thực tế, đồng tiền này đang mất giá do quy mô các biện pháp thuế quan của ông Trump có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao và làm chậm tăng trưởng.
Chính quyền Mỹ đã cố gắng xoa dịu lo ngại này, cho rằng các tác động tiêu cực chỉ là tạm thời và kế hoạch của họ, bao gồm cắt giảm biên chế chính phủ và chi tiêu, sẽ giúp nền kinh tế hồi phục về lâu dài.
Tuy nhiên, phố Wall vẫn tỏ ra lo ngại. Sau khi đạt mức tăng mạnh nhất trong hai năm kể từ thời kỳ bong bóng dot-com vào những năm 1990, chỉ số S&P 500 đã giảm 9% từ giữa tháng 2 do lo ngại về nền kinh tế và định giá quá cao của các cổ phiếu công nghệ sau cơn sốt trí tuệ nhân tạo.
Cùng lúc đó, căng thẳng giữa ông Trump và các đồng minh châu Âu về chi phí quốc phòng đã thúc đẩy kế hoạch tăng chi tiêu của Đức, có thể hỗ trợ nền kinh tế khu vực. Điều này đã giúp thị trường chứng khoán châu Âu tăng trưởng hai con số trong năm nay, thu hút dòng tiền từ Mỹ.
“Nếu dòng tiền rời đi vì nhà đầu tư mất niềm tin vào nền tảng kinh tế và địa chính trị của Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm sâu hơn, và USD cũng sẽ chịu tác động”, Thierry Wizman, chiến lược gia vĩ mô tại Macquarie Group, cảnh báo.
Barry Eichengreen, chuyên gia kinh tế tại Đại học California, Berkeley, người đã nghiên cứu sâu về USD, cho rằng rủi ro dài hạn vẫn chưa thể bị bỏ qua.
Vai trò trung tâm của USD, vốn giúp Mỹ tránh được các cuộc khủng hoảng nợ mà các quốc gia khác phải đối mặt bằng cách duy trì nhu cầu cao đối với trái phiếu kho bạc, sẽ không dễ dàng bị thay thế, do quy mô thị trường nợ Mỹ lớn nhất thế giới và có thanh khoản cao nhất.
Tuy nhiên, Eichengreen cũng lưu ý rằng điều đó không phải là bất khả thi, “USD vẫn chưa mất đi vị thế trú ẩn an toàn, nhưng chúng ta cần nghiêm túc cân nhắc khả năng này”.
>> Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: ‘Đầu tư vào Trung Quốc là đầu tư cho tương lai’
Toan tính của Elon Musk trong thương vụ sáp nhập hơn 100 tỷ USD
Jack Ma tái xuất, Alibaba hồi sinh ngoạn mục: Cổ phiếu nhảy vọt 60%, vốn hóa tăng thêm 100 tỷ USD