1.100 tỷ USD ‘rơi trúng’ nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hoàn toàn miễn phí
Trong bối cảnh Đức bước vào kỷ nguyên chi tiêu thâm hụt nhằm củng cố quốc phòng và hiện đại hóa hạ tầng, Chính phủ ngày càng đối mặt với áp lực lớn để tránh lãng phí và tận dụng tối đa nguồn lực này.
Nước Đức vừa nhận được khoản tài trợ bổ sung trị giá 1.000 tỷ euro (tương đương 1,1 nghìn tỷ USD) gần như miễn phí sau khi thị trường trái phiếu phản ứng tích cực với dự luật chi tiêu “lịch sử” của nước này, Chủ tịch Deutsche Bank Alexander Wynaendts cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Wynaendts, Berlin cần sử dụng khoản tiền này một cách khôn ngoan và thúc đẩy các cải cách cơ cấu để duy trì lợi thế này. Ông đưa ra nhận định trên vào ngày 27/3 trong một cuộc thảo luận do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tổ chức.

Tuần trước, Chính phủ Đức đã thông qua gói chi tiêu hàng trăm tỷ euro cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng, được tài trợ bằng nợ công, chấm dứt hàng thập kỷ thắt lưng buộc bụng và mở ra kỷ nguyên mới của chính sách tài khóa thâm hụt.
Kế hoạch này nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và củng cố năng lực quốc phòng. Berlin đang buộc phải hành động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại một số cam kết đối với an ninh châu Âu.
Các thị trường nhìn chung đã phản ứng tích cực với sự thay đổi chính sách này, điều mà các nhà kinh tế nhận định có thể thúc đẩy tăng trưởng trên toàn khu vực đồng euro.
Ông Wynaendts nói: “Thị trường đã hoàn toàn ủng hộ gói chi tiêu này. Thậm chí có thể nói rằng chúng tôi vừa nhận được 1.000 tỷ euro mà không mất thêm chi phí nào”.
Bên cạnh đó, ông cảnh báo rằng dòng tiền dồi dào đột ngột này có thể dẫn đến tình trạng phân bổ sai nguồn lực, đặc biệt sau nhiều năm đầu tư thiếu hụt vào quốc phòng và sự kém hiệu quả trong hệ thống mua sắm.
“Chắc chắn sẽ có những khoản đầu tư không hợp lý. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác,” ông cho hay.
Ngoài ra, Wynaendts còn nhấn mạnh rằng Đức cần thực hiện các cải cách cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng dựa trên nợ công có thể bền vững.
Ông phát biểu: “Chúng ta cần cắt giảm quy định, cải cách thuế, cải cách luật lao động. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khoản đầu tư khổng lồ này phát huy tối đa hiệu quả. Chúng ta không có thời gian để lãng phí”.
>> Trung Quốc ‘bơm’ kỷ lục 200 tỷ USD vào thị trường, phát tín hiệu kích thích kinh tế