Bầu chọn Giáo hoàng - Quá trình bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn
Mật nghị hồng y bầu Giáo hoàng là một cuộc bầu cử bí mật nhất thế giới. Khi 133 hồng y Công giáo bước vào Nhà nguyện Sistine để bầu người kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis, mỗi người đều phải tuyên thệ giữ bí mật thông tin suốt đời.

Điều tương tự cũng được áp dụng với tất cả mọi người bên trong Tòa thánh Vatican trong suốt thời gian mật nghị diễn ra, từ 2 bác sĩ túc trực để ứng phó với những trường hợp khẩn cấp tới nhân viên phòng ăn phục vụ các hồng y. Tất cả đều thề sẽ bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn. Ngoài ra, để chắc chắn, nhà nguyện và 2 nhà khách sẽ được kiểm tra kỹ càng để không bỏ sót một micro hay máy nghe lén nào.
Hãng tin BBC dẫn lời John Allen, biên tập viên trang tin tức Crux cho biết: "Có những thiết bị gây nhiễu điện tử được lắp đặt để đảm bảo tín hiệu điện thoại và wifi không truyền ra hoặc vào. Vatican rất coi trọng việc bảo mật hoàn toàn".
Việc phong tỏa không chỉ nhằm mục đích giữ bí mật cho quá trình bỏ phiếu, mà còn để ngăn chặn các "thế lực đen tối" ăn cắp thông tin hoặc phá hoại các thủ tục. Ngoài ra, động thái còn để đảm bảo cho những người bỏ phiếu không bị thế giới bên ngoài tác động vào một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời của họ.
Khi bước vào mật nghị, mọi người sẽ phải giao nộp toàn bộ các thiết bị điện tử, gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh. Vatican có lực lượng cảnh sát riêng để thực thi các quy tắc.

Đức ông Paolo de Nicolo, Trưởng phòng Quản gia của Giáo hoàng suốt 3 thập niên cho biết: "Không có tivi, báo hay đài phát thanh được đặt tại nhà khách khi mật nghị diễn ra, không gì cả. Bạn thậm chí không thể mở cửa sổ vì nhiều phòng có cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài".
Mọi người phục vụ mật nghị đều được thẩm tra kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, họ vẫn bị cấm giao tiếp với các hồng y cử tri. Ines San Martin thuộc Hội truyền giáo tại Mỹ cho biết: "Các hồng y bị cô lập hoàn toàn... Trong một số trường hợp, bộ đàm sẽ được dùng, ví dụ như khi cần một bác sĩ hoặc trong trường hợp đã bầu được Giáo hoàng, ai đó có thể cho người rung chuông ở vương cung thánh đường để thông báo".
Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó phá vỡ các quy tắc. Đức ông Nicolo cho hay: "Có một lời thề và những ai không tuân thủ sẽ có nguy cơ bị khai trừ. Sẽ không ai dám làm điều này".
Theo kế hoạch đã công bố, vào sáng 7/5, tất cả các hồng y cử tri sẽ bắt đầu bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng tiếp theo. Nhiều nhà cái ở Anh đã đặt cược cho Hồng y Tagle đến từ Philippines, người họ coi là ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã.
>> 133 hồng y chuẩn bị bước vào mật nghị, chưa biết ai sẽ trở thành giáo hoàng tiếp theo
Ông Trump giải thích về bức ảnh 'chế' mặc trang phục Giáo hoàng
133 hồng y chuẩn bị bước vào mật nghị, chưa biết ai sẽ trở thành giáo hoàng tiếp theo