Bí ẩn bức tượng Phật mất đầu được công nhận là bảo vật quốc gia bỗng dưng đổ mồ hôi, được coi như bùa hộ mệnh của nhân dân làng chài
Thực chất đây là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Champa bằng đá sa thạch, thuộc phong cách nghệ thuật tháp Mẫm, có niên đại từ thế kỷ XIV đến XV.
Bức tượng Phật ‘biết’ đổ mồ hôi
Chùa Phật Lồi hay còn gọi là Linh Sơn cổ tự được xây dựng vào năm 1913. Ban đầu, chùa tọa lạc tại làng chài Hải Giang, nhưng hiện đã được di dời về thôn Hội Thành, thuộc xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày nay, chùa Linh Sơn trở thành điểm đến du lịch tâm linh nổi bật, thu hút du khách trong hành trình khám phá miền đất võ Bình Định.
Chùa Linh Sơn có thờ pho tượng cổ bằng đá mà dân gian quen gọi là tượng Phật Lồi. Pho tượng tạc hình dáng một vị tu sĩ trong tư thế ngồi thiền, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, mình trần, thân đeo một mảnh vải vắt chéo qua vai trái. Tượng cao 0,82m, ngang 0,46m.
Đặc biệt, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác cao 60cm, rộng 45cm, có 12 dòng chữ Chăm cổ đến nay vẫn chưa ai dịch nghĩa được. Được biết, Viện Viễn Đông bác cổ ở Pháp sang cũng đã lấy mẫu chữ đằng sau pho tượng Phật Lồi về nghiên cứu nhưng chưa có kết quả.
Theo lời kể của các bậc cao niên ở thôn Hải Giang, ngày xưa, trong lúc cày ruộng, một người dân địa phương đã phát hiện một bức tượng trồi lên từ lòng đất, có hình dáng giống tượng Phật đang ngồi thiền. Dân làng sau đó đã xây dựng ngôi chùa để thờ cúng pho tượng này và đặt tên là chùa Phật Lồi, liên quan đến sự kiện tượng Phật lồi lên từ mặt đất.
Tác phẩm Nước non Bình Định của Quách Tấn cũng ghi chép về chùa Phật Lồi như sau: "Dưới chân núi Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh, cao lớn như người thật. Tượng này được người dân địa phương phát hiện dưới mé bàu.
Truyền rằng, trước đây tượng Phật này từng ở ngoài đảo Lao Xanh. Một ngày nọ, tượng đột nhiên biến mất, khiến dân làng tìm kiếm mãi không thấy. Sau đó, nghe tin dân làng Phương Mai (thôn Hải Giang, bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn) tìm thấy tượng Phật, họ liền đến xem và nhận ra đó chính là tượng Phật của mình. Dù họ đã cố gắng khiêng tượng về nhưng hàng trăm người hợp sức vẫn không thể di chuyển, đành phải để lại cho người dân Phương Mai tiếp tục thờ phụng".
Ông Huỳnh Năm (66 tuổi, trước đây sống ở làng chài Hải Giang, hiện nay ở thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội) chia sẻ với báo Dân Trí, từ khi còn nhỏ, ông đã nghe cha ông kể nhiều câu chuyện kỳ bí về tượng Phật Lồi.
"Dù chỉ là những câu chuyện truyền miệng, nhưng đến nay, người dân Hải Giang vẫn tin rằng pho tượng vô cùng linh thiêng. Vì vậy, vào các ngày rằm, mùng 1, lễ Tết, bà con đều đến thắp hương, cầu xin sự phù hộ cho gia đình được bình an.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1999-2000, có nhiều người lạ đến Hải Giang tìm kiếm cổ vật. Sau đó, một nhóm kẻ xấu đã phá cửa, đột nhập vào chùa để trộm tượng, nhưng họ không thể đưa đi xa và đành phải bỏ cuộc", ông Năm kể lại.
Về những câu chuyện huyền bí xoay quanh pho tượng, sách Nước non Bình Định cũng có ghi chép: "Những năm xảy ra dịch bệnh, như bệnh tả, pho tượng Phật tự nhiên đổ mồ hôi. Người dân địa phương dùng son thoa lên lưng tượng, in các hàng chữ bùa trên giấy vàng và đem về dán trong nhà. Người bệnh thì khỏi, còn người không bệnh thì được bảo vệ khỏi dịch."
Có rất nhiều câu chuyện truyền miệng đầy màu sắc huyền bí xoay quanh tượng Phật Lồi. Tuy nhiên, với người dân làng chài Hải Giang, từ xưa đến nay, họ luôn tin rằng pho tượng là biểu tượng của sự linh thiêng, bảo vệ và mang lại bình yên cho cả làng.
Bảo vật quốc gia đặc biệt
Sau nhiều lần di dời để nhường chỗ cho các dự án phát triển du lịch, vào năm 2015 chùa Linh Sơn đã được xây dựng lại tại thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội (Quy Nhơn). Cùng với đó, tượng Phật Lồi cũng được thỉnh về chùa để thờ cúng từ đó cho đến nay.
Theo ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, thực chất tượng Phật Lồi là tượng thần Shiva, một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Champa bằng đá sa thạch, thuộc phong cách nghệ thuật tháp Mẫm, có niên đại từ thế kỷ XIV đến XV.
Đáng chú ý, tượng thần Shiva tại Chùa Linh Sơn là tác phẩm duy nhất có hình thức khác biệt so với các tượng thần Shiva khác từng được phát hiện ở Bình Định. Tượng này được thể hiện với văn bia khắc phía sau, là một hình thức hiếm gặp trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Điều đặc biệt là 12 dòng chữ Champa khắc sau lưng trên bia ký đã từng là một bí ẩn trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư Arlo Griffiths, chuyên gia về ngôn ngữ Ấn Độ cổ thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, đã thành công trong việc đọc và dịch 12 dòng chữ Champa cổ này sang tiếng Anh. Sau đó, bản dịch tiếng Việt và phần giải thích ý nghĩa được PGS.TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cung cấp. Nội dung minh văn khẳng định rằng đây là tượng thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Vào năm 2018, tượng thần Shiva (hay còn gọi là tượng Phật Lồi) tại Chùa Linh Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo Đại đức Thích Thị Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn, tượng thần Shiva được công nhận là bảo vật quốc gia không chỉ gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm thu hút du khách đến chiêm ngưỡng. Để tôn vinh và phát huy giá trị của bảo vật này, nhà chùa đã đặt tượng ở vị trí trang trọng tại chánh điện để thờ cúng.
Bê bối phía sau bức tượng vũ công nhỏ bị nhận xét là 'đồi trụy'
Bức tượng Phật cao 65m duy nhất của Việt Nam được làm từ đá nguyên khối của cả quả núi