'Nóc nhà Nam Bộ' có Tượng Phật Bà bằng đồng với loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu, chuẩn bị đón 1.000 đại biểu trong Đại lễ Vesak 2025
Núi Bà Đen được lựa chọn là điểm đến của 1.000 đại biểu trong Đại lễ Vesak 2025.
Mới đây, khu du lịch núi Bà Đen, Tây Ninh vinh dự đón đoàn lãnh đạo TW GHPGVN và đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm. Chuyến đi nhằm thảo luận về chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất trí cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm nhất định phải đến của hàng nghìn đại biểu Phật giáo toàn cầu trong dịp Đại lễ Vesak.
Theo Báo Tây Ninh đưa tin, Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch ICDV khẳng định, với hơn 1.000 đại biểu và hơn 80 quốc gia sẽ đến tham dự Vesak 2025, núi Bà Đen là điểm phải đến tham quan; nơi đây như một viên ngọc báu, điểm nhấn chính cho toàn bộ sự kiện này.
Đại lễ Vesak 2025 là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức, nhưng là lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM. Sự kiện sẽ có sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu chính thức, gồm: 1.000 đại biểu khách mời quốc tế đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, là một số nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các cơ quan của Liên hợp quốc; lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, học giả và các nhà nghiên cứu; đại biểu khách mời trong nước là 1.000 đại biểu Tăng Ni GHPGVN Việt Nam.
Chính vì thế, việc núi Bà Đen chuẩn bị đón tiếp hàng nghìn đại biểu quốc tế nhận được nhiều quan tâm.
Núi Bà Đen - Biểu tượng linh thiêng của Phật giáo Việt Nam
Núi Bà Đen (Tây Ninh) là điểm đến quen thuộc với người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Người ta đến đây không chỉ để ngắm nhìn cảnh đẹp mà còn để thể hiện tín ngưỡng, đức tin của mình, bởi núi Bà Đen chính là biểu tượng linh thiêng của Phật giáo Việt Nam.
Trong văn hóa Phật giáo, các ngọn núi cao được xem là biểu tượng linh thiêng, gắn liền với truyền thuyết về cuộc đời Đức Phật. Trong đó có thể kể đến như núi Tu Di - gắn với câu chuyện Đức Phật ngồi trên tảng đá giảng dạy giáo lý; Linh Thứ Sơn ở Ấn Độ là nơi Phật tử trên toàn thế giới muốn đến vì nơi đây gắn với câu chuyện Đức Phật thuyết giảng Kinh Pháp Hoa...
Tại Việt Nam, núi Bà Đen cao gần 1.000m so với mực nước biển, được coi là nơi hội tụ linh khí của đất trời. Theo Hòa thượng Tampalawela Dhammaratana - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, núi Bà Đen gợi nhắc về các ngọn núi gắn liền với biểu tượng của Phật giáo trên thế giới, cùng các câu chuyện về cuộc đời và hành trình ban giáo lý của Đức Phật. Khi đến đây, các Phật tử cảm nhận được sự linh thiêng, chữa lành.
Ngọn núi có nhiều kỷ lục ấn tượng
Không chỉ là ngọn núi biểu tượng của Phật giáo, núi Bà Đen còn là điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Với độ cao ấn tượng, núi Bà Đen có mây phủ quanh năm, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi hội tụ của nhiều công trình văn hóa tâm linh như Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn kỳ vĩ nhất châu Á, Tượng Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới... Trong đó nổi bật nhất là Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.
Hình tượng nguyên mẫu của tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh là một trong số hơn 40 tượng Phật cổ tại Khu di tích Quốc gia Bổ Đà Sơn thuộc tỉnh Bắc Giang. Tượng được làm từ 170 tấn đồng đỏ quý hiếm, tọa lạc trên đỉnh núi Bà Đen.
Bức tượng khổng lồ này có chiều cao 72m, thể hiện sự kết tinh tinh hoa của tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc. Tượng gồm đài sen, khối đế 5 tầng và phần tượng.
Giữa không gian mênh mông, quanh năm mây mù bao phủ mờ ảo, Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng. Đặc biệt, hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa.
Tượng Phật Bà đầu đội vương miện chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà là biểu tượng cho sự tôn vinh trí tuệ và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật với thế gian. Tay trái tượng cầm bình cam lộ đang dốc xuống như đang ban phát phước lành cho chúng sinh. Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudr với ý nghĩa tránh xa điều ác.
Với những đặc điểm này, Tượng Phật cao núi Bà Đen tại Tây Ninh đã xác lập 2 kỷ lục gồm “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.