Sống

Bên trong ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi từng là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam chứa 35 toà tháp, "cất giữ" kho báu vô giá nặng hơn 3.000 tấn trên đỉnh núi

Quỳnh Như 02/10/2023 07:01

Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có lịch sử hình thành từ thời Lý, được các nhà nghiên cứu coi là "kho di sản vô giá" của dân tộc.

Di tích Quốc gia đặc biệt - chùa Phật Tích, thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là nơi các nhà sư từ Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên đến truyền dạy đạo Phật đầu tiên vào nước ta, sau đó xuôi theo dòng sông Dâu về vùng Luy Lâu lập nên trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta.

Trung tâm Phật giáo lớn nhất thời Lý, thời Trần

Theo sách "Đại Việt Sử Ký toàn thư" và các dấu tích còn lại, cũng như các di vật tìm thấy ở khu vực chùa, chùa Phật Tích đư­ợc xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII-X và đư­ợc xây dựng thành Đại danh lam vào triều Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu, niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057). Ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi này là trung tâm Phật Giáo lớn nhất nước ta thời Lý, thời Trần.

Empty
Chùa Phật Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: Khoa học và Đời sống.

Thời Trần, Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn là một trung tâm Nho giáo. Các vua Trần thường lui tới chùa thăm cảnh, lễ phật, dự hội và đền thờ. Vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng cung Bảo Hòa và một thiền viện lớn ở Phật Tích. Vua Trần Nghệ Tông đã cho tổ chức cuộc thi Thái học sinh (tức thi chọn Tiến sĩ) quy mô toàn quốc tại chùa Phật Tích vào năm 1384.

Đến thời Lê Trung Hưng, chùa Phật Tích được quý tộc triều đình cho trùng tu với quy mô lớn theo kiểu chùa Trăm gian có kiến trúc kiểu "Nội công ngoại quốc". Chùa Phật Tích là một ngôi chùa độc đáo, có bố cục gọn gang, chặt chẽ và rất sinh động. Cùng với gác chuông hai tầng, tòa Tam Bảo thâm nghiêm và vườn tháp nhấp nhô là những điểm nổi trội của tổng thể khu chùa tạo ra một thế lô xô cho mái của các đơn nguyên kiến trúc, đồng thời, nó gây một cảm giác như ngôi chùa đang trôi bồng bềnh trong cõi Phật.

Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng và hủy hoàn toàn kiến trúc của ngôi chùa vào năm 1947, chỉ còn lại pho tượng A Di Đà. Ngoài ra, có hàng linh thú đá 10 con trước cửa Tiền đường và hệ thống tháp mộ ở phía sau chùa.

Tháp đổ, chùa tan, nhưng với những dấu vết hiện còn, với những tầng nền có tường đá kè hùng vĩ, các bậc cửa, các tượng thú và tượng người, bệ tượng và chân tảng bằng đá, được chạm khắc tinh vi, chùa Phật Tích vẫn còn là một thắng cảnh, một công trình nghệ thuật đánh dấu tài năng và trí tuệ của dân tộc ta thế kỷ XI.

Nơi cất giữ những báu vật vô giá

Hiện nay, chùa có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu.

Chính điện của chùa Phật Tích là nơi tôn trí pho tượng Phật A Di Đà bằng đá lớn nhất và nguyên vẹn nhất của thời Lý. Tượng Phật A Di Đà là bảo tượng cổ nhất Việt Nam có niên đại 1057. Đây cũng là một trong những kiệt tác điêu khắc thời Lý, là hiện vật đầu tiên được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam (đợt 1, năm 2012).

Tượng A Di Đà cao 1,86m, kích thước hiện tại cả bệ cao 2,77m, được tạo tác bằng đá xanh. Thể hiện Đức Phật A Di Đà ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối kiết già toàn phần, thân hình cân đối thanh thoát, dáng ngồi thanh thản tự tại.

Năm 1959, chùa Phật Tích được Nhà nước cho xây dựng lại theo quy mô nhỏ để tôn thờ các di vật còn lại. Đến năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận là Di sản Văn hóa cấp Quốc gia. Hiện nay, chùa Phật Tích được trùng tu gồm các tòa: Tam bảo, hậu đường, nhà khách, nhà tổ, nhà mẫu.

10 bức tượng linh thú bằng đá được xếp thành những cặp đăng đối chầu trước Tam Bảo của chùa gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật, bộ tượng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam. Đây là những hiện vật gốc được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối và độc bản đã tạo nên nét cổ kính, độc đáo hiếm có của chùa Phật Tích.

linh thu
10 linh thú có tuổi đời gần 1.000 năm của chùa Phật Tích. Ảnh: Hoài Anh/Báo Lao Động.

Năm 2016, nhân dịp về dự ngày hội Đại đoàn kết toàn Dân tộc - kỷ niệm 86 năm ngày thành lập MTTQVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương cúng Phật và trồng cây lưu niệm (cây bồ đề) tại chùa Phật Tích.

Tại chùa Phật Tích còn có pho tượng A Di Đà cao 27m (tính cả bệ là 30m), nặng 3.000 tấn tọa lạc trên đỉnh núi, được khởi công xây dựng từ tháng 2/2007.

Empty
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.

Tượng Phật A Di Đà mới nặng 3.000 tấn, dựa trên nguyên mẫu tượng A Di Đà - bảo vật quốc gia đang được tôn thờ tại Chánh điện. Khi hoàn thiện vào năm 2010, tượng Phật A Di Đà mới đạt kỷ lục là "pho tượng Phật bằng đá lớn nhất Đông Nam Á".

Empty
Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Tại đây còn có Tháp Phổ Quang hay còn gọi là Tháp Bảo Nghiêm được xây dựng từ năm 1692 với 4 tầng, phía mặt tháp có điêu khắc tượng Phật ngồi trên tòa sen. Tháp Phổ Quang là ngọn tháp lớn nhất trong chùa, cao 5,1m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn.

Hiện nay, ở sân sau chùa có 35 ngọn tháp lớn nhỏ, cái được dựng bằng đá, cái được xây bằng gạch. Mỗi cây tháp, giữ xá lị của các hòa thượng đắc đạo. Với những giá trị nổi bật, chùa Phật Tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2014.

Cơ ngơi trải dài của nghệ sĩ Hoài Linh "khủng" cỡ nào: Biệt thự xa hoa ở Mỹ vẫn chưa bằng Nhà thờ Tổ trăm tỷ, sơn son thếp vàng tại Việt Nam

Nâng cấp ngôi chùa biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, hứa hẹn trở thành điểm tham quan hấp dẫn

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ben-trong-ngoi-chua-hang-nghin-nam-tuoi-tung-la-trung-tam-phat-giao-lon-nhat-viet-nam-chua-35-toa-thap-cat-giu-kho-bau-vo-gia-nang-hon-3000-tan-tren-dinh-nui-d109250.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bên trong ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi từng là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam chứa 35 toà tháp, "cất giữ" kho báu vô giá nặng hơn 3.000 tấn trên đỉnh núi
    POWERED BY ONECMS & INTECH