Bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang ngay sát cạnh Thủ đô: Từng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, nay là khối nhà bong tróc phủ rêu
Bệnh viện nghìn tỷ này chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận một bệnh nhân nào dù được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bị bỏ hoang gần 1 thập niên.
Được khởi công xây dựng cách đây 10 năm nhưng đến năm 2018 cả 2 dự án này đã tạm dừng, gần đây mới chính thức khởi động trở lại.
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2) được thực hiện theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm đó, 2 bệnh viện này được xây dựng với mục tiêu thành các bệnh viện tuyến Trung ương đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, cơ chế quản lý điều hành tiên tiến, có trình độ khám, chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực...
>> Kể từ nay, nếu cho thuê đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt rất nặng

Sau khi hoàn thành, 2 bệnh viện này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giảm tình trạng người dân phải đi ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Đây cũng được xem là lần đầu tiên Việt Nam sở hữu bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời điểm 21/10/2018, khu khám chữa bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành.

Nhưng sau đó, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19.
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 khi đó cũng chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành và cho đến nay chưa từng tiếp nhận bệnh nhân nào.
Hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính khiến hai dự án bệnh viện trọng điểm đến nay vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào hoạt động là do chưa lường hết các phát sinh trong quá trình triển khai, đặc biệt là trong thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản. Những bất cập này chủ yếu liên quan đến việc ký kết, thực hiện và thanh quyết toán các hợp đồng xây dựng, dẫn đến chậm giải ngân vốn và kéo dài thời gian thi công.
Trong quá trình thực hiện, nhiều hạng mục công trình đã phải điều chỉnh theo đề xuất từ phía hai bệnh viện, như thay đổi hệ thống điều hòa, bổ sung thiết bị nước nóng, tăng số lượng máy lạnh, điều chỉnh khu vực nội trú dành cho y bác sĩ... Những điều chỉnh này làm kéo dài tiến độ và vượt thời hạn thực hiện ban đầu.

Năm 2019, Bộ Y tế đã có văn bản xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Theo đó, tiến độ được điều chỉnh, kéo dài đến ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, việc thi công tiếp tục gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, dẫn đến việc tạm dừng thi công từ đầu năm 2021.
Nhiều hạng mục xây dựng dang dở, trong khi phần lớn trang thiết bị y tế vẫn chưa được mua sắm và lắp đặt. Nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực phụ trợ đã xuống cấp, tường nhà bong tróc, phủ rêu, sân vườn bị cỏ dại bao phủ, khiến tổng thể khuôn viên công trình rơi vào tình trạng hoang hóa.
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành liên quan đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư y tế trọng điểm.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành, do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm thành viên. Bộ Y tế và Tổ công tác đã tiến hành rà soát toàn diện, nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý dứt điểm các tồn tại và đã hoàn thiện phương án xử lý, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Nhờ các giải pháp quyết liệt, từ đầu tháng 11/2024, các nhà thầu đã bắt đầu thi công trở lại tại hai dự án bệnh viện. Bộ Y tế liên tục chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, với mục tiêu hoàn thành xây dựng trong năm 2025.
Tiếp theo đó, ngày 16/1/2025, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 11/TTr-BYT gửi Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết về cơ chế, giải pháp xử lý các vướng mắc tại hai dự án.
Đến ngày 13/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP, đưa ra các cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nghị quyết số 34/NQ-CP không chỉ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng trong năm 2025, mà còn yêu cầu đảm bảo đầy đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và các yếu tố cần thiết khác để vận hành hiệu quả ngay sau khi đưa vào sử dụng.
Thực hiện Nghị quyết, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 17/2/2025 về việc thành lập Tổ Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 34, đồng thời ban hành Kế hoạch số 218/KH-BYT ngày 19/2/2025 nhằm cụ thể hóa các bước triển khai, giám sát tiến độ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hai dự án.
Nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, tránh lãng phí, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, trong đó bảo đảm hoàn thành xây dựng dự án trong năm 2025.
Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 được khởi công vào cuối năm 2014, với quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày. Công trình được xây dựng trên diện tích đất khoảng 21ha, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 117.700m2, bao gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Đây được xem là một trong những bệnh viện ngoại khoa hiện đại, được thiết kế để điều trị các chấn thương và bệnh lý phức tạp như xương, sọ, não, đầu mặt cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch.
Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 4.968 tỷ đồng, trong đó 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phần còn lại từ các nguồn khác.
Dự kiến ban đầu, bệnh viện sẽ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một thập kỷ, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Sau nhiều năm bỏ hoang, các hạng mục của bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm, nhiều khu vực bị hoen gỉ, tường nhà bong tróc, gây lãng phí lớn về nguồn lực và cơ hội chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Bộ Y tế, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hy vọng rằng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân khu vực phía Bắc.