Bất động sản

Ngôi mộ chôn đứng tồn tại hơn trăm năm giữa lòng miền Tây mang theo lời trăng trối cao ngạo của tổng đốc nổi tiếng bạo tàn: Kiến trúc lạ kỳ được bao quanh bởi 12 trụ đá

Hải Đăng 09/05/2025 21:00

Ngôi mộ chôn đứng hơn trăm năm của tổng đốc khét tiếng miền Tây đến nay vẫn khiến nhiều người rùng mình bởi kiến trúc kỳ lạ và lời trăn trối đầy ngạo nghễ: "Chôn đứng để chống mắt nhìn đời".

Giữa nhịp sống ngày càng sôi động của thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), có một ngôi mộ cổ tồn tại lặng lẽ hơn trăm năm khiến nhiều người không khỏi lạnh gáy mỗi khi ngang qua. Không chỉ đặc biệt bởi kiến trúc hình tháp hiếm thấy, phần mộ này còn gắn liền với một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Nam Kỳ thuộc địa: Tổng đốc Trần Bá Lộc – người từng được mô tả là "tàn độc hơn cả thực dân".

Phần mộ lạ kỳ và lời trăn trối đầy ngạo nghễ

Ẩn sâu trong khu đất Thánh thuộc nhà thờ Cái Bè là một nhà thờ Công giáo lâu đời – phần mộ của Trần Bá Lộc mang hình dáng như một ngọn tháp cao khoảng 4m.

Trên đỉnh có tượng thiên thần chắp tay, dưới chân là tượng bán thân khắc họa hình ảnh một người đàn ông đầu trọc trong quân phục. Bao quanh là hàng rào gồm 12 trụ cột bằng đá, nối với nhau bằng xích sắt lớn mang đầy sự u uất.

>> Biệt thự 'ma' giữa lòng cố đô: Tàn tích của một thời hoàng kim, nơi bồ đề trăm tuổi ôm trọn ký ức vương giả dưới triều Nguyễn

Ngôi mộ chôn đứng tồn tại hơn trăm năm giữa lòng miền Tây mang theo lời trăng trối cao ngạo của tổng đốc khét tiếng- Ảnh 1.
Hình ảnh ngôi mộ chôn đứng của Trần Bá Lộc. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Bốn mặt của tháp đều có khắc văn bia bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Nội dung chính ghi rõ: "Emmanuel Trần Bá Lộc – Tổng đốc Thuận Khánh", cùng với dòng mô tả chức danh: "Thành viên Hội đồng tối cao Đông Dương, Bắc đẩu bội tinh". Dòng tiểu sử bên dưới xác nhận ông sinh tại Cù lao Giêng tháng 2/1839, mất tại Cái Bè ngày 26/10/1899.

Theo giai thoại dân gian lưu truyền tại địa phương, trước khi qua đời, Trần Bá Lộc đã để lại một câu nói nổi tiếng: "Chôn đứng để chống mắt nhìn đời".

Ngôi mộ chôn đứng tồn tại hơn trăm năm giữa lòng miền Tây mang theo lời trăng trối cao ngạo của tổng đốc khét tiếng- Ảnh 2.
4 phía của tháp đều được khắc thông tin về chủ nhân của ngôi mộ. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống

Chính vì thế, người ta tin rằng thi thể ông đã được an táng trong tư thế thẳng đứng - một trong những điều hoàn toàn khác biệt so với truyền thống mai táng của người Việt.

Theo thông tin đăng tải trên Vietnamnet, tang lễ của ông diễn ra theo nghi thức xa hoa khi thi hài được quàn đúng 100 ngày để người thân và khách đến viếng; các buổi chiêu đãi thịnh soạn được tổ chức thường xuyên. Khi động quan, đội lính đứng nghiêm trang bồng súng tiễn đưa.

Từ người bán cá đến "bàn tay sắt" của Pháp ở Nam Kỳ

Trần Bá Lộc là con Trần Bá Phước (người Quảng Bình), từng đỗ tú tài vào Nam dạy học tại Cái Nhum Rau Má (Vĩnh Long), sau đó đổi lên cù lao Giêng (Châu Đốc).

Sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa, Trần Bá Lộc sớm có điều kiện tiếp xúc với cả chữ Hán lẫn Quốc ngữ.

Sau khi Pháp tấn công Sài Gòn năm 1859, ông bắt đầu giao thương tại Mỹ Tho, bán cá cho người Pháp. Nhờ kết thân với một sĩ quan tên Marc, ông nhanh chóng bước vào bộ máy cai trị thực dân, khởi đầu bằng vai trò cai mã tà tại Chợ Gạo.

Ngôi mộ chôn đứng tồn tại hơn trăm năm giữa lòng miền Tây mang theo lời trăng trối cao ngạo của tổng đốc khét tiếng- Ảnh 3.
Xung quanh là các ngôi mộ người thân của Trần Bá Lộc. Ảnh: Báo Vietnamnet

Từ đây, sự nghiệp của Trần Bá Lộc thăng tiến chóng mặt. Ông lần lượt giữ chức tri huyện, tri phủ Kiến Phong, Đốc phủ sứ Cái Bè và cuối cùng là Tổng đốc Thuận Khánh.

Được biết đến là người có năng lực trấn áp các cuộc khởi nghĩa, Trần Bá Lộc tham gia trực tiếp vào việc dẹp các phong trào kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười, Rạch Giá, Phú Quốc, Cầu Ngang...

Theo báo Kienthuc.net, trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (1919) có ghi lại như sau:

"Trần Bá Lộc dùng cách dữ dội, chém giết rất nhiều, bởi vậy đất Bình Thuận không bao lâu mà yên... Sau đó đem quân ra dẹp đảng Văn Thân ở Phú Yên và Bình Định, bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận đem chém".

Ngôi mộ chôn đứng tồn tại hơn trăm năm giữa lòng miền Tây mang theo lời trăng trối cao ngạo của tổng đốc khét tiếng- Ảnh 4.
Phác họa chân dung của Trần Bá Lộc. Ảnh: Internet

Thậm chí sự tàn ác của Trần Bá Lộc được Tham Biện Mỹ Tho bình như sau: "Người ta có thể phàn nàn lão già này về hành động dã man lúc trước, nhưng tôi nghĩ trong hàng ngũ viên chức bản xứ hiện nay, khó tìm được người biết kính bề trên và tận tụy với quyền lợi của nước Pháp như hắn".

Không chỉ hành động dứt khoát trong quân sự, Trần Bá Lộc còn làm cố vấn cho Pháp về vấn đề an ninh, hành chính và chính sách cai trị tại địa phương. Những người chống lại chế độ thường bị bắt giam cả gia đình. Hành vi đàn áp khốc liệt của Trần Bá Lộc đã khiến nhiều người dân sợ hãi, căm giận, Trần Bá Lộc thậm chí được cho "tàn bạo hơn cả thực dân".

Dù không được Pháp trọng dụng ở cấp cao nhất, Trần Bá Lộc vẫn là một trong những điền chủ lớn nhất Nam Kỳ. Khi qua đời, ông sở hữu trên 2.000 mẫu ruộng, là chủ của cả cù lao Quới Thiện.

Vào cuối đời, ông sống tại biệt thự ven sông ở Cái Bè, tiếp tục xin phép đào kênh dẫn nước dài 47km nối qua Đồng Tháp – công trình đã cướp đi máu và nước mắt của hàng trăm dân phu vì mắc dịch bệnh.

Con kênh này từng mang tên Trần Bá Lộc nhưng sau này được đổi tên thành kênh Dương Văn Dương. Dù gây nhiều tranh cãi, đây vẫn là một tuyến thủy lợi quan trọng, góp phần giúp người dân sinh sống và phát triển kinh tế quanh vùng.

Người đời vẫn nhắc về Trần Bá Lộc như một nhân vật hai mặt: Vừa là kẻ đàn áp khét tiếng, vừa là người để lại những công trình ảnh hưởng lâu dài đến vùng đất này. Nhưng cho đến tận hôm nay, mỗi lần đi ngang qua ngôi mộ tháp chôn đứng ấy, không ít người vẫn rùng mình không chỉ vì hình thù kỳ lạ của kiến trúc, mà vì lịch sử dữ dội gắn liền với tên tuổi của một tổng đốc từng nổi tiếng tàn bạo của vùng Tây Nam Bộ.

>> 8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ

Kể từ nay, nếu cho thuê đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt rất nặng

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á xây dựng sân bay tỷ USD

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/ngoi-mo-chon-dung-ton-tai-hon-tram-nam-giua-long-mien-tay-mang-theo-loi-trang-troi-cao-ngao-cua-tong-doc-khet-tieng-202250508153213716.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi mộ chôn đứng tồn tại hơn trăm năm giữa lòng miền Tây mang theo lời trăng trối cao ngạo của tổng đốc nổi tiếng bạo tàn: Kiến trúc lạ kỳ được bao quanh bởi 12 trụ đá
    POWERED BY ONECMS & INTECH