Cây cầu vòm đá duy nhất đất nước: Được nữ kiến trúc sư người Pháp thiết kế, công nhân Việt Nam – Trung Quốc phối hợp xây dựng trong vòng 2 năm
Cây cầu khởi công xây dựng vào tháng 9/1963 và hoàn thành vào tháng 5/1965, là kết quả của sự hợp tác giữa công nhân Việt Nam và Trung Quốc.
Cầu Ka Long là một trong những công trình biểu tượng của TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ nổi bật bởi kiến trúc độc đáo, cây cầu này còn mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông khu vực biên giới.
Nằm trên Quốc lộ 18, cầu Ka Long bắc qua dòng sông cùng tên, nối phường Ka Long với phường Hòa Lạc – vị trí chiến lược gần Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đây là tuyến kết nối quan trọng giữa trung tâm thành phố và vùng biên giới. Cầu được thiết kế bởi một nữ kiến trúc sư người Pháp, khởi công xây dựng vào tháng 9/1963 và hoàn thành vào tháng 5/1965, là kết quả của sự hợp tác giữa công nhân Việt Nam và Trung Quốc.

Điểm đặc biệt của cầu Ka Long là kết cấu hoàn toàn bằng đá tự nhiên, không sử dụng chất kết dính như xi măng hay vôi vữa. Các phiến đá lớn nhỏ được ghép với nhau bằng kỹ thuật thủ công, tạo nên một công trình bền vững qua thời gian. Với chiều dài khoảng 230m, cầu có thiết kế vòm uốn lượn mềm mại, tựa như một con rồng vắt ngang sông – biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn của vùng đất địa đầu Tổ quốc.
> > Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á xây dựng sân bay tỷ USD
Trên thân cầu còn khắc dòng chữ "Tình hữu nghị Việt – Trung đời đời bền vững" bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung, thể hiện rõ mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia. Cầu không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa hai nước láng giềng.
Không chỉ dừng lại ở giá trị sử dụng, cầu Ka Long còn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch nhờ kiến trúc độc đáo và cảnh quan ven sông thơ mộng. Nơi đây từng được chọn làm không gian tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc biệt, trong đó có chương trình trình diễn thời trang của các nữ sĩ quan Việt Nam trước khi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, cầu Ka Long đã có dấu hiệu xuống cấp. Từ năm 2012, chính quyền TP. Móng Cái đã có văn bản hạn chế lưu thông của xe tải, xe ô tô trên 16 chỗ và xe chở hàng hóa qua cầu. Đến tháng 1/2015, thành phố đã tiến hành sửa chữa với các hạng mục như bóc lớp bê tông mặt cầu để thảm nhựa, xử lý các vết nứt ở trụ cầu và gia cố hành lang.

Gần đây nhất, ngày 4/5, TP. Móng Cái đã thông báo tạm dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Ka Long để phục vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình. Các phương tiện được điều tiết chuyển hướng qua cầu Hòa Bình (cách khoảng 500m) và các tuyến đường lân cận để đảm bảo lưu thông an toàn.
Cầu Ka Long ngày nay không chỉ là minh chứng sống động cho một thời kỳ hợp tác đầy ý nghĩa, mà còn là công trình mang tính biểu tượng, góp phần kết nối giao thương, phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh vùng đất biên giới Móng Cái.