Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương: Được xây dựng bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước ta từ thế kỷ XIX, là một trong những bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia
Không chỉ được biết đến là bệnh viện Tây y đầu tiên, đến nay, cơ sở này còn được xếp hạng đặc biệt và là Trung tâm y tế chuyên sâu của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Được xây dựng theo chỉ dụ của nhà vua
Năm 1894, Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) được xây dựng theo chỉ dụ của vua Thành Thái, là bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương. Năm 1972, bệnh viện được xây dựng lại lần thứ hai với sự hỗ trợ của chính phủ CHLB Đức, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế.
Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Bệnh viện Trung ương Huế hiện là một trong ba bệnh viện đa khoa lớn nhất và tiên tiến nhất của Việt Nam, cùng Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM. Năm 2009, bệnh viện được Bộ Y tế phong hạng đặc biệt.
Là một bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Trung ương Huế có giường 5.000 bệnh nội trú và 100 giường lưu. Bệnh viện hiện có trên 3.000 cán bộ viên chức, trong đó 5 thầy thuốc nhân dân, 50 thầy thuốc ưu tú, trên 40 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và hơn 500 bác sĩ, dược sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, điều dưỡng.
Bệnh viện Trung ương Huế có trên 100 khoa phòng, gồm các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, các phòng chức năng. Tám Trung tâm của bệnh viện: Trung tâm Huyết học Truyền máu, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Nhi, Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế, Trung tâm Răng hàm mặt.
Những năm qua Bệnh viện Trung ương Huế phát triển xây dựng nhiều khu chức năng khám chữa bệnh mới, nâng cấp cơ sở vật chất và các trang thiết bị hiện đại như: Trung tâm Nhi, Trung tâm Kỹ thuật cao (ODA), Trung tâm tim mạch, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Quốc tế, Khu Hậu cần, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Phẫu thuật tạo hình - Bỏng, Trung tâm Sản - Phụ khoa...
Bệnh viện Trung ương Huế còn triển khai các kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn của Trung tâm y tế chuyên sâu, bao gồm ghép thận (từ năm 2001), mổ tim kín (từ 1986), tim hở (1999). Năm 2011 bệnh viện thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do y bác sĩ Việt Nam tiến hành. Đặc biệt, bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện nhiều ca ghép tim xuyên Việt thành công, mang lại niềm hy vọng cho nhiều bệnh nhân.
Xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu
Với lịch sử 130 năm, Bệnh viện Trung ương Huế hiện là bệnh viện hạng đặc biệt với đa số các cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân địa phương và khu vực miền Trung. Trên tổng diện tích 17,8 ha, Bệnh viện Trung ương Huế hiện có 3 cơ sở: Cơ sở 1, cơ sở 2, Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế và 14 trung tâm, 119 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 14 phòng chức năng.
Trong bảy năm thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, Bệnh viện Trung ương Huế đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động, quyết liệt, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý hiệu quả những vấn đề khó khăn, đồng thời, đảm bảo tiếp tục phát triển bền vững, ổn định đời sống cán bộ, viên chức, nâng cao uy tín, vị thế của bệnh viện.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được bệnh viện quan tâm là đẩy mạnh triển khai nhiều kỹ thuật cao ngang tầm khu vực như ghép tạng, ghép tế bào gốc, tim mạch, điều trị ung thư đa mô thức, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, thẩm mỹ, đột quỵ, hỗ trợ sinh sản... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đưa vào hoạt động các trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính phổ 512 lát cắt, máy xạ trị gia tốc thế hệ mới và nhiều máy móc thiết bị hiện đại khác góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân khu vực miền Trung nói chung và địa phương nói riêng.
Theo Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế tự đánh giá đạt 4,40 điểm, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú 98%, tỷ lệ hài lòng so với mong đợi 96,13%.
Năm 2023, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại 3 cơ sở của bệnh viện tăng so với năm 2022 và năm 2019 (thời điểm trước đại dịch COVID-19) với gần 700.000 lượt khám, số bệnh nhân điều trị nội trú là 180.000 lượt, tổng số phẫu thuật khoảng 50.000 ca, số lần chạy thận nhân tạo khoảng 100.000 lượt, ghép tạng và tế bào gốc hơn 200 ca, số phẫu thuật tim mạch gần 1.800 ca, can thiệp tim mạch và can thiệp mạch não gần 7.000 ca.
Đặc biệt, bệnh viện này còn được Hội Đột quỵ Thế giới xếp hạng Kim cương; đạt giải Nhất hội thi chung kết “Phẫu thuật đại trực tràng nội soi” Đông Nam Á và nhiều giải khác tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật quốc gia, tỉnh.