Bí ẩn chuyện lạ xoay quanh án oan của Thái tử Lê Duy Vĩ, là cha vị vua cuối cùng nhà Hậu Lê

11-03-2024 18:05|Nam Trần

Năm Kỷ Sửu (1769) dưới triều vua Lê Hiển Tông xảy ra một vụ án bi thảm, điều kỳ lạ ở chỗ, nạn nhân trong vụ án oan này lại chính là Thái tử Lê Duy Vĩ trong khi nhà vua bất lực không thể làm gì để cứu con.

Sử sách ghi chép rằng, thời Lê Trung Hưng, qua các đời chúa Trịnh sự chuyên quyền ngày càng lớn, biến vua Lê thành những vị hoàng đế bù nhìn. Chúa quyết định tất cả mọi việc từ chuyện chi tiêu của vua cho đến việc đưa ai lên ngôi, thậm chí cả tính mạng vua cũng nằm trong tay chúa. Chính vì vậy chuyện chúa Trịnh Sâm giết Thái tử Lê Duy Vĩ mà vua Lê Hiển Tông bất lực không thể làm gì để cứu con là chuyện không lạ, nhưng lạ lùng ở chỗ sau đó có chuyện báo ứng ly kỳ mà hậu thế không mấy người được rõ.

Vì một chỗ ngồi... thề không chung bầu trời

Vụ án bi thảm xảy ra vào tháng 12 năm Tân Mão (1771) nhưng nguyên nhân của nó bắt đầu từ nhiều năm trước đó với sự ghen tức đố kị của Trịnh Sâm đối với Thái tử Lê Duy Vĩ. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, Thái tử xưa vóc người đẹp đẽ, tư chất thông minh. Thấy nhà vua bị mất quyền, Thái tử căm tức lắm, thường vẫn khảng khái nuôi chí thu phục lại quyền bính.

Ngoài ra, Thái tử lại từng xem khắp kinh sử, yêu mến các nho sinh; nên hào kiệt trong thiên hạ không ai là không ngưỡng vọng. Chúa Trịnh Doanh vì thế cũng rất yêu mến Thái tử nên đã gả con gái của mình cho, hi vọng sau này Thái tử lên ngôi, con gái mình sẽ thành Hoàng hậu.

Còn Trịnh Sâm, con trai đầu của chúa Trịnh Doanh, cũng được đánh giá là người thông minh, quyết đoán, giỏi thơ văn, có tâm hồn lãng mạn nhưng vị chúa này cũng rất kiêu ngạo, nhỏ nhen và vụ thảm án cung đình bức hại Thái tử Lê Duy Vĩ, vị hoàng đế tương lai xuất phát chính từ sự kiêu ngạo, nhỏ nhen đó. Thấy cha và mọi người khen ngợi và quý trọng Duy Vĩ thì trong lòng không vui, càng ganh ghét cả về địa vị và tài năng. Sách Đại Việt sử ký tục biên viết ngắn gọn như sau: “Lúc Sâm làm thế tử vẫn ghen ghét thái tử”.

Phủ chúa khép tội cho Thái tử

Phủ chúa khép tội cho Thái tử

Vụ việc căng thẳng xảy ra trong một bữa ăn ở phủ chúa, Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay: “Thái tử có lần cùng với Trịnh Sâm gặp nhau ở phủ đường, được chúa giữ lại ban cơm và bảo hai người cùng ngồi chung một mâm.

Bà Chính phi họ Nguyễn, cũng là mẹ vợ Thái tử, ngăn lại và bảo rằng: “Thái tử và Thế tử, danh phận là vua tôi, sao lại có thể cùng ngồi chung một mâm được? Nên phân biệt ngồi làm hai chiếu”; bèn sai người đưa thế tử sang mâm khác. Sâm đổi nét mặt, bước ra về, ngoảnh lại bảo với mọi người rằng: “Vua ấy cũng không nên cùng đứng chung với Chúa này, thề phải có một người sống một người chết, mới xong”.

Khi Trịnh Sâm nối ngôi, bàn với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh định mưu truất bãi thái tử, nhưng không có lẽ gì buộc tội, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh, rồi đem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua bắt thái tử giam vào ngục. Về sau, Thái tử phải ghép vào tội thắt cổ.

Những điềm báo khác thường

Theo Đại Việt sử ký tục biên, trước đây giếng núi Tam Sơn ở sau cung điện bỗng có tiếng vang như sấm. Thái tử tin thuật số, biết là tất sẽ bị nạn, nói để vua biết. Vua cũng làm lễ cầu đảo cho Thái tử thoát nạn. Lúc bấy giờ Đĩnh đến, Thái tử biết tai họa đã xảy ra.

Hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong Tang thương ngẫu lục cũng nhắc đến một chuyện lạ khác: “Con gái yêu của bà Chính phi chúa Minh vương là Tiên quận chúa đã đính hôn với Hoành thái tử Duy Vĩ. Chưa thành hôn thì tạ thế. Sau khi khâm liệm, truy phong làm Hoàng thái tử phi. Lễ thành phục làm ở dinh bà Liêu công phu nhân là bảo mẫu của quận chúa.

Huyền ảo giấc mộng Thái tử gặp Quận chúa Tiên Dung

Huyền ảo giấc mộng Thái tử gặp Quận chúa Tiên Dung

Trước một ngày, Thái tử túc trực ở nhà tang, chiêm bao thấy một người áo vàng dẫn vào vương phủ có kẻ hầu người hạ, sang trọng gấp mười lần ngày thường. Thái tử cùng Quận chúa ngồi uống trà, nhà bếp dọn một mâm cỗ, đàn sáo nổi lên ríu rít. Ăn xong trò chuyện một lúc rồi Quận chúa sai buông màn cùng nhau âu yếm. Trong khi nằm trên gối, Quận chúa bảo với Thái tử:

- Thiếp chịu mệnh Thượng đế xuống trần cùng điện hạ kết mối duyên nợ kiếp xưa. Mới đây, vì bà phi mẫu của thiếp đức mỏng, nên thiếp phải về, không được để hầu khăn túi cho trọn vẹn. Nhưng cái ngày sum họp sau đây cũng chẳng xa xôi là mấy, xin đừng nên bận nghĩ đến thiếp cho lắm!

Lúc Thái tử tỉnh dậy, hơi rượu chưa phai, hương thừa vẫn còn ngan ngát ở áo, bèn gọi bà bảo mẫu nói chuyện cho nghe. Trông phong nghi, phục sức của Quận chúa trong giấc chiêm bao, y như ngày thường, không khác gì cả. Không bao lâu sau, Thái tử phải nạn”.

Một vài tư liệu khác còn cho hay, sau khi bức hại Thái tử, Trịnh Sâm còn ra lệnh bắt cả Mẫn Thái hậu Nguyễn thị (vợ thứ của Lê Duy Vĩ) và các con nhốt vào ngục. Thế nhưng, dã sử chép rằng lúc Thái tử Vĩ bị bắt, trong cung có một người đàn bà cùng đứa ở gái bế 3 đứa con trai nhỏ ra cửa Tây, đi ngay ban đêm, đến ngủ trọ ở nhà dân tại xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Người nhà ấy đêm trước mộng thấy có một người bảo rằng: “Nên quét dọn nhà cửa, Thiên tử và Thái hậu sẽ đến”.

Thức dậy, lấy làm lạ. Ngày hôm sau đợi trông ở cổng, đến chiều thấy một người đàn bà cùng đứa ở gái bế 3 đứa con trai, trông cửa đi vào xin ngủ nhờ, chủ nhà bèn đón vào mời ngồi lên chiếu trên, lại nói chuyện mình nằm mộng như thế. Người đàn bà ấy nói rằng: - Chuyện chiêm bao sao có thể tin được, chớ nói bậy sẽ bị giết không cứu được.

Sáng hôm sau cáo từ ra đi. Rồi thì quan quân tiến đến trấn Sơn Tây bắt được họ đem về kinh sư giam cầm. Ba người con trai ấy tức là Khiêm, Tụ, Kỳ. Khiêm về sau là vua Chiêu Thống”. Lê Chiêu Thống là vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê, miêu hiệu là Mẫu Đế.

Chuyện lạ báo ứng kẻ hại Thái tử

Hoàng Lê nhất thống chí có chép, một hôm, chúa Trịnh Sâm tắm gội, ăn chay rồi ngự ra hồ Tây để cầu thần báo mộng. Đang đi, chợt thấy trước mặt có một cái kiệu, trên có một người ngồi chĩnh chện, nhìn kỹ té ra đó là Thái tử Vĩ.

Chúa truyền hỏi quân lính xem có ai thấy xe kiệu gì không, quân lính đều nói không thấy. Chúa lo lắm, liền sai quay ngay về cung. Đêm ấy, chúa đang nằm trong màn, bỗng thấy một người đầu đội khăn hồng, mình vận áo đỏ, tay cầm một chiếc mái chèo, vạch màn ra rồi đứng ở đầu giường trừng mắt nhìn mình. Chúa vội hỏi ai thì người ấy đáp rằng: “Ta là Duy Vĩ đây!” Chúa cả sợ, bấy giờ mới biết đó là linh hồn của Thái tử Vĩ.

Tượng hai chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán tại Trịnh phủ- huyện Thanh Oai, Hà Nội

Tượng hai chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán tại Trịnh phủ- huyện Thanh Oai, Hà Nội

Về sau hồn của Lê Duy Vĩ linh thiêng. Chúa Trịnh Sâm ở trong phủ thấy thái tử ở trong cửa phủ. Có khi chúa Trịnh Sâm đi ra ngoài thì thấy thái tử ở bên cầu hay ở trên thành. Chúa Trịnh Sâm lo hàng trăm cách yểm trừ mà không ngắn dứt được. Một hôm, chúa Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ cùng ngồi thuyền dạo chơi ở Hồ Tây, thấy thái tử hiện lên ở mặt nước trước mũi thuyền. Chúa lấy súng bắn thì thái tử biến mất, một lát lại thấy thái tử hiện ra nữa.

Bảy năm sau vụ thảm án, chúa Trịnh Sâm có thêm một người con nữa, đặt tên là Cán. dáng mạo của Trịnh Cán giống hệt như của thái tử. Về sau Trịnh Cán đau, chỉ nhắm mắt gãi đầu và lắc đầu giống như trạng thái của người bị thắt cổ vậy. Chúa Trịnh Sâm sai người đi cầu thầy ở khắp bốn phương chữa trị mấy năm cũng không hiệu nghiệm.

>> Vị tướng quân tài ba được ví là 'Hậu Nghệ phiên bản Việt’: xuất thân giàu có, nhìn người chọn ngựa, có tài bắn cung 'trăm phát trăm trúng'

'Chiến thần' đất Việt chưa bao giờ nếm mùi thất bại, làm rể vị tướng quân vĩ đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử: Gần 56 năm trị vì nhưng không con nối dõi, thành lập trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Người Việt đầu tiên đỗ Trạng nguyên hai nước: Là người đứng đầu trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, được vua Lê vẽ chân dung đặt cạnh ngai vàng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bi-an-chuyen-la-xoay-quanh-an-oan-cua-thai-tu-le-duy-vi-la-cha-vi-vua-cuoi-cung-nha-hau-le-d117625.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bí ẩn chuyện lạ xoay quanh án oan của Thái tử Lê Duy Vĩ, là cha vị vua cuối cùng nhà Hậu Lê
POWERED BY ONECMS & INTECH