Vị tướng quân tài ba được ví là 'Hậu Nghệ phiên bản Việt’: xuất thân giàu có, nhìn người chọn ngựa, có tài bắn cung 'trăm phát trăm trúng'

11-03-2024 00:12|Nam Trần

Từ một người buôn và huấn luyện ngựa, ông được nhân dân suy tôn là một trong bảy vị tướng tài ba của "Tây Sơn thất hổ tướng".

Nhìn người mà chọn ngựa

Lý Văn Bưu hay còn gọi là Mưu (Miêu), là dân gốc của làng Đại Khoang, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Theo sách "Võ nhân Bình Định", làng Đại Khoang là một vùng rộng lớn, có nhiều gò đất, cây dại mọc sum suê nên rất thích hợp để chăn nuôi bò, ngựa. Chính vì thế, gia đình nhà ông Lý chuyên chăn nuôi và buôn bán ngựa. Những con ngựa của nhà ông được mua bán rộng rãi thậm chí đến vùng Phú Yên, Quảng Nghĩa.

Nhà giàu có, buôn bán rộng, lại ở trong một vùng xa xôi hẻo lánh, nên để đề phòng trộm cướp, gia đình ông Lý Văn Bưu thuê rất nhiều thanh niên trai tráng và thầy dạy võ. Chính vì thế, ông được rèn luyện võ nghệ từ thuở ấu thơ và hấp thụ những tinh túy về tài cưỡi ngựa, huấn luyện ngựa của gia đình. Ngoài tài năng võ nghệ và cưỡi ngựa, ông còn biết múa đao, bắn cung nên người trong vùng còn gọi là Phi Vân Báo.

Lý Văn Bưu được dạy võ công từ thuở nhỏ

Lý Văn Bưu được dạy võ công từ thuở nhỏ

Tài nuôi ngựa chiến của gia đình họ Lý được truyền từ đời ông cao tổ. Cùng với đó, nhờ sự am hiểu vững về việc chọn giống, chăm sóc, và tận dụng lợi thế địa hình giống như thảo nguyên Mông Cổ, gia đình họ Lý đã thành công trong việc nuôi dưỡng những con ngựa chiến trở thành tuấn mã. Thượng khách ở các tỉnh xa đến mua ngựa phải đặt hàng trước cả năm.

Tương truyền, ngựa chiến được huấn luyện bởi những người họ Lý không chỉ có khả năng chạy liên tục suốt cả ngày mà còn không cần ăn uống và nghỉ ngơi nhiều. Lý Văn Bưu chọn cho khách con tuấn mã vừa ý dựa trên tướng mạo, tầm vóc, tính nết của khách hàng. Người nho nhã, phong lưu thì thích ngựa có nước kiệu êm. Kẻ tính tình năng động thì ưa ngựa có nước phi thần tốc.

Có người thích ngựa thiên lý để ngày đi trăm dặm mà ngựa không đổ mồ hôi. Lại có những người mua được ngựa hay, xong chưa thuần phục, hay dở chứng hung hăng đều được đem đến nhờ ông thuần hóa. Chỉ trong vòng một tuần lễ, Lý Văn Bưu đã thuần phục được một con tuấn mã.

Thỉnh thoảng, ông mua lại những con ngựa bị trộm từ xa, đem về với điều kiện phải là những chú ngựa tốt, ngựa hay. Đôi khi, những chủ ngựa bị mất trộm đến "trường ngựa" của ông, xin được chuộc lại đều được ông vui vẻ nhượng lại. Với bọn cường hào trọc phú hay là bọn bất lương thì ông cho chuộc lại với giá gấp đôi.

Danh tiếng họ Lý vang xa

Nổi tiếng ngay từ tuổi niên thiếu về tài đức, võ nghệ, một phần vì ngựa tốt mà ông bán nên ông có rất nhiều hào kiệt làm bằng hữu. Trong số những khách từng mua ngựa của ông có cả đại tướng của Tây Sơn là Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nữ tướng nhà Tây Sơn đã học được từ Lý Văn Bưu cách nuôi và huấn luyện ngựa chiến, từ đó bà áp dụng những phương pháp đó để huấn luyện voi.

Và cũng chính bà đã tiến cử Lý Văn Bưu cho Nguyễn Nhạc và được anh em nhà Tây Sơn trọng dụng. Họ Lý được giao trọng trách tổ chức chăn nuôi, sản xuất hậu cần và huấn luyện đoàn chiến mã. Trường ngựa của ông biến thành trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa chuyên nghiệp, nơi đào tạo và rèn luyện kỵ binh cho quân đội của nhà Tây Sơn.

Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Lý Văn Bưu được phong làm Đô đốc. Ông là một trong bảy vị tướng được nhân dân địa phương tôn là "Tây Sơn thất hổ tướng", gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa Đô đốc Lý Văn Bưu

Ông theo Nguyễn Huệ trong các trận đánh với quân Xiêm và quân Mãn Thanh. Khi quân Thanh kéo vào Thăng Long, Lý Văn Bưu tháp tùng vua Quang Trung trong chiến dịch thảo Thanh dưới sự chỉ huy của Đại đô đốc Đặng Xuân Bảo. Ông cùng Đặng Văn Long dẫn đội kỵ binh vượt qua Chương Đức (Hà Đông) và chiếm cứ hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Nhờ chiến công nhanh chóng này, quân Thanh không phát hiện khi tấn công đồn Khương Thượng.

Ông còn được xem là "Hậu Nghệ phiên bản Việt" khi bắn chết con hổ to như con trâu mộng, rất hung dữ và tinh khôn. Tương truyền lúc còn đang xây dựng cơ sở cho nhà Tây Sơn tại dãy núi Ninh Thuận thuộc huyện Tây Sơn bây giờ, có một con cọp to lớn như con trâu mộng, thường hay xuống bắt bò heo và luôn cả người nữa. Ban đầu thì hổ đi săn bắt ban đêm, sau lại phá phách luôn cả ban ngày. Chẳng những có sức mạnh mà da hổ lại quá dày, cứng đến độ giáo mác đâm không thủng. Dân làng thuê thợ săn cọp và các võ sĩ có danh để trừ hổ, song tất cả đều thất bại, người thì chết kẻ thì trọng thương.

Bưu được tin, mang cung Kỳ Nam tìm vào rừng sâu để diệt trừ hổ dữ. Gặp được hổ, ông liền giương Kỳ Nam cung bắn một phát vào đầu cọp. Mũi tên xuyên từ mắt phải ra đến sau ót, cọp còn hăng sức xông đến, Lý Văn Bưu tiếp liền hai phát. Tuy da hổ cứng rắn song tên vẫn xuyên ngang cuống họng và yết hầu. Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết. Những mũi tên phóng ra từ Kỳ Nam cung của ông tiêu diệt được rất nhiều kẻ thù trong chiến thắng chống quân Xiêm (năm 1785) và chiến thắng quân Thanh (năm 1789).

Khi vua Quang Trung băng hà, nội bộ Tây Sơn lục đục, chia bè kết cánh khiến niềm tin vào triều Tây Sơn của ông suy sụp. Lý Văn Bưu lấy cớ tuổi già sức yếu xin được cáo bệnh về quê. Từ khi về ở ẩn, ông lại tiếp tục với nghề nuôi và buôn bán ngựa của gia đình.

Những chiến công vang dội của vua Quang Trung có sự góp công không hề nhỏ của lực lượng kỵ binh thiện chiến do Đô đốc đại tướng quân Lý Văn Bưu chỉ huy và huấn luyện. Chính nhờ lực lượng này mà Nguyễn Huệ đã hoàn thành cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để tiêu diệt quân Thanh. Thế mới hay rằng, sống ở trên đời không gì bằng "nhất nghệ tinh", một khi đã giỏi nghề thì người chăn ngựa cũng sẽ là danh tướng.

>> Danh nhân được đặt tên cho nhiều phường, xã nhất cả nước: Vị vua trăm trận trăm thắng, khiến Càn Long cũng dè chừng

Vị tướng xuất thân nông dân được đích thân Bác Hồ đặt tên: Nhận phong hàm Đại tướng khi mới 45 tuổi, con trai cũng là Thượng tướng lỗi lạc

Nữ đô đốc duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: Đánh hổ cứu chồng tương lai, được ca ngợi có 'gan dạ và trí lược của một đại tướng'

'Chiến thần' đất Việt chưa bao giờ nếm mùi thất bại, làm rể vị tướng quân vĩ đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-quan-tai-ba-duoc-vi-la-hau-nghe-phien-ban-viet-xuat-than-giau-co-nhin-nguoi-chon-ngua-co-tai-ban-cung-tram-phat-tram-trung-d117690.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị tướng quân tài ba được ví là 'Hậu Nghệ phiên bản Việt’: xuất thân giàu có, nhìn người chọn ngựa, có tài bắn cung 'trăm phát trăm trúng'
POWERED BY ONECMS & INTECH