Bị phạt và truy thu hơn 7 tỷ đồng, chủ chuỗi TokyoLife làm ăn thế nào?
Cục Thuế Thành phố Hà Nội mới đây đã công bố kết luận thanh tra thuế tại Công ty cổ phần Intellife, chủ chuỗi thương hiệu TokyoLife.
Chủ chuỗi TokyoLife bị phạt, truy thu hơn 7,1 tỷ đồng
Theo Quyết định số 6303 ngày 17/6/2024 của Cục Thuế Thành phố Hà Nội về việc thanh tra thuế tại Công ty cổ phần Intellife và theo biên bản thanh tra thuế ký giữa đoàn thanh tra và Công ty cổ phần Intellife ngày 14/10/2024, Công ty đã chấp hành các quy định về việc kê khai, nộp thuế, tuy nhiên còn tồn tại một số nội dung.
Theo kết luận, về thuế GTGT, Công ty Intellife khuyến mại hàng hóa dịch vụ (HHDV) chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thương mại, hạch toán thuế GTGT của hàng lỗi hỏng không đủ hồ sơ, hạch toán chi phí bán hàng không phục vụ sản xuất kinh doanh; chưa phân bổ thuế GTGT đầu vào đối với HHDV không chịu thuế.
Theo đó, Công ty Intellife đã vi phạm khoản 1, Điều 15; khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Về thuế TNDN, Công ty Intellife kê khai chi phí lãi vượt mức khống chế theo quy định về giao dịch liên kết, hạch toán chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp không đúng quy định, không phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Công ty Intellife vi phạm điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC và Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Thêm nữa, Công ty Intellife chưa kê khai phụ lục giao dịch liên kết theo quy định với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại tờ khai Quyết toán thuế TNDN năm 2022-2023.
Sau thanh tra, đoàn thanh tra xác định truy thu thuế tổng số tiền 5,5 tỷ đồng, trong đó thuế TNDN năm 2022 là 1 tỷ đồng, năm 2023 là 4,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, Công ty Intellife bị phạt do hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là 1,1 tỷ đồng; phạt do chưa kê khai giao dịch liên kết theo mẫu quy định số tiền 24 triệu đồng; phạt do khai sai tờ khai thuế GTGT 16 tờ khai số tiền 113,7 triệu đồng.
Tính đến 11/10/2024, tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 59 Luật quản lý thuế năm 2019 và Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP do chậm nộp tiền thuế là 431 triệu đồng.
Kết luận, Cục Thuế thành phố Hà Nội yêu cầu Intellife nộp tiền truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp với tổng số tiền 7,1 tỷ đồng.
Intellife làm ăn thế nào?
Công ty cổ phần Intellife, thành lập vào tháng 1/2018 với lĩnh vực chính là may mặc, sau đó nhanh chóng nổi tiếng với thương hiệu bán lẻ TokyoLife. Với 170 cửa hàng trải khắp 46 tỉnh thành, TokyoLife hiện chuyên phân phối đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, phụ kiện và thời trang Nhật Bản, hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu sản xuất và bán lẻ uy tín, phục vụ 10 triệu khách hàng Việt Nam vào năm 2025.
Ban đầu, Intellife được thành lập với vốn điều lệ 4,8 tỷ đồng và ba cổ đông sáng lập chính là ông Nguyễn Thanh Sơn (50,9%), bà Vũ Ánh Hồng (49%) và ông Trần Trung Hiếu (0,1%). Qua nhiều lần tăng vốn, đến tháng 10/2021, vốn điều lệ của Intellife đã lên đến 95 tỷ đồng, với người đại diện pháp luật hiện tại là ông Nguyễn Văn Tiến.
Dữ liệu tài chính cho thấy Intellife có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh chóng. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, 2018, công ty đã đạt mức doanh thu hơn 107 tỷ đồng. Một năm sau, doanh thu tăng gấp gần 4 lần, đạt hơn 532 tỷ đồng.
Đến năm 2020, con số này tiếp tục tăng lên gần 700 tỷ đồng. Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 trong hai năm 2021 và 2022, doanh thu của Intellife vẫn duy trì ổn định ở mức trên 800 tỷ đồng. Đến năm 2023, doanh thu lại tăng mạnh, chạm ngưỡng 1.300 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng trưởng nhanh, lợi nhuận của Intellife lại có phần khiêm tốn. Năm đầu tiên, công ty lỗ 530 triệu đồng – một kết quả dễ hiểu với một doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Sang năm thứ hai, Intellife thoát lỗ và đạt lãi 130 triệu đồng.
Giai đoạn từ 2020 đến 2022, dù doanh thu đạt hơn 850 tỷ đồng, lợi nhuận của công ty chỉ tăng nhẹ từ 380 triệu lên 1,4 tỷ đồng.
Đến năm 2023, khi doanh thu vượt mốc nghìn tỷ, lợi nhuận của Intellife mới đạt mức hơn 14 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này, tuy đã cải thiện, vẫn chỉ chiếm khoảng 1% doanh thu, khiến tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) của Intellife ở mức rất thấp, dao động từ 0,02% đến 1%.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Intellife đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Phần nợ phải trả ghi nhận mức 929 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mục “phải trả khác” trong cấu trúc nguồn vốn ghi nhận tới 670 tỷ đồng, phản ánh áp lực tài chính đáng kể cho công ty vào cuối năm 2023.
>> Chủ thương hiệu nước tăng lực Lipovitan bị truy thu và phạt hơn 2 tỷ tiền thuế
Bộ Tài chính thanh tra Tổng công ty Xây dựng Hà Nội
Công ty con của Sabeco (SAB) bị phạt, truy thu thuế hơn 8,6 tỷ đồng