Hàng hóa - Tiêu dùng

Bí quyết thu nửa tỷ đồng/năm: Áp dụng máy móc vào nghề truyền thống sản xuất 'siêu thực phẩm' phải có vào dịp Tết

Ái Hân 10/01/2025 15:08

Anh Phạm Văn Tưởng đã xây dựng thành công mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tại thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ), anh Phạm Văn Tưởng đã khởi nghiệp thành công với nghề làm miến dong – một nghề truyền thống của quê hương. Từ niềm đam mê và ý chí quyết tâm, anh không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn xây dựng cơ sở sản xuất miến trở thành một trong những địa chỉ uy tín và lớn nhất tại địa phương.

Bí quyết thu nửa tỷ đồng/năm: Áp dụng máy móc vào nghề truyền thống sản xuất 'siêu thực phẩm' phải có vào dịp Tết
Anh Tưởng đang vận hành máy thái miến. Ảnh: Hải Tiến

Ban đầu, vợ chồng anh Tưởng sản xuất miến theo cách thủ công, năng suất thấp và tốn nhiều công sức. Không cam chịu khó khăn, anh không ngừng học hỏi, tìm kiếm các giải pháp để cải thiện quy trình sản xuất. Nhờ vậy, anh dần mạnh dạn đầu tư máy móc và thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Nguyên liệu chính để sản xuất miến là bột củ dong, được anh nhập về từ các tỉnh miền núi như Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, và Yên Bái. Quy trình làm miến bao gồm lọc tinh bột từ củ dong, tráng qua nồi hơi để ra sản phẩm bánh miến, sau đó phơi khô, cắt sợi, và cuối cùng là đóng gói. Tùy theo yêu cầu của từng đơn hàng, sản phẩm có thể được đóng gói hoặc giao nguyên sợi cho thương lái.

Bí quyết thu nửa tỷ đồng/năm: Áp dụng máy móc vào nghề truyền thống sản xuất 'siêu thực phẩm' phải có vào dịp Tết
Vào những ngày đẹp trời, anh Tưởng vẫn phơi miến ngoài trời nhằm tiết kiệm chi phí sấy miến bằng dây chuyền liên hoàn. Ảnh: Hải Tiến

Một thách thức lớn trong nghề làm miến truyền thống là sự phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt ở công đoạn phơi khô bánh tráng và sợi miến. Những ngày mưa hoặc nồm ẩm, việc sản xuất gần như đình trệ vì không thể phơi khô. Ngoài ra, diện tích đất phơi miến cũng là một bài toán khó, buộc các cơ sở sản xuất phải thuê thêm ruộng đất.

Quyết tâm tìm hướng đi mới, năm 2019, anh Tưởng đã tham khảo dây chuyền sản xuất mì gạo và nhận thấy một số điểm tương đồng. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng chế tạo một cỗ máy liên hoàn, có khả năng thực hiện toàn bộ các công đoạn như nấu bột, tráng bánh, sấy khô và cắt sợi. Sau nửa năm miệt mài thử nghiệm và cải tiến, anh đã chế tạo thành công chiếc máy. Nhờ hệ thống này, năng suất tăng 50% so với cách làm cũ. Đặc biệt, công nghệ sấy khô hiện đại đã giúp sản xuất không còn phụ thuộc vào thời tiết, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu bụi bẩn.

Với dây chuyền sản xuất hiện đại, cơ sở của gia đình anh Tưởng hoạt động ổn định quanh năm, cung cấp hàng chục tấn miến mỗi tháng. Cao điểm từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, sản lượng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 2 tấn miến khô, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với giá bán từ 47.000 đến 50.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tưởng còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 15-20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 350.000 đến 400.000 đồng/người/ngày. Đây không chỉ là sự thành công của một cá nhân mà còn là nguồn động lực lớn cho kinh tế địa phương.

Miến dong được cho là 'siêu thực phẩm' mang lại nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe. Củ dong không chỉ giàu tinh bột mà còn chứa protein, tính mát và vị ngọt tự nhiên, phù hợp cho bà bầu và trẻ nhỏ tập ăn. Miến dong có hàm lượng tinh bột cao, giàu chất xơ, ít calo và chất béo, hỗ trợ quản lý cân nặng và phù hợp với người thừa cân, béo phì. Ngoài ra, thực phẩm này còn tốt cho người mắc bệnh tim mạch, giúp ổn định đường huyết, kích thích tiêu hóa và tăng cường trao đổi chất. Trong mâm cơm ngày Tết miến dong gần như là món không thể thiếu. Không chỉ nấu miến nước, miến có thể chế biến xào hoặc trộn cùng để ăn. Ngoài ra món chả nem truyền thống cũng được sử dụng miến để tạo độ dai ngọt khi ăn.

>>Huyện thuần nông ở Hà Nam thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ loại quả cực kỳ quen mặt trong dịp Tết

Huyện thuần nông ở Hà Nam thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ loại quả cực kỳ quen mặt trong dịp Tết

Tổng Bí thư thăm, chúc Tết gia đình các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bi-quyet-thu-nua-ty-dongnam-ap-dung-may-moc-vao-nghe-truyen-thong-san-xuat-sieu-thuc-pham-phai-co-vao-dip-tet-270660.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bí quyết thu nửa tỷ đồng/năm: Áp dụng máy móc vào nghề truyền thống sản xuất 'siêu thực phẩm' phải có vào dịp Tết
    POWERED BY ONECMS & INTECH