Trong tuần giao dịch từ 1 - 5/11/2021, đa số các nhóm cổ phiếu đều ghi nhận sự tăng trưởng so với tuần trước đó. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thực sự chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự phân hóa mạnh vẫn là biến động chính của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Kết tuần giao dịch đầu tháng 11/2021, VN-Index đứng ở mức 1.456,51 điểm - tăng 12,24 điểm (0,8%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 15,52 điểm (3,8%) lên 427,64 điểm; UpCOM-Index tăng 2,82 điểm (2,7%) lên 108,2 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất cao và đạt kỷ lục với tổng giá trị giao dịch bình quân là 38.932 tỷ đồng/phiên - tăng 22% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên cũng tăng đến 24,5% lên mức 37.100 tỷ đồng.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thực sự chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự phân hóa mạnh vẫn là biến động chính của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường có 15 mã giảm và 14 mã tăng giá. SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB) biến động tích cực nhất khi tăng đến 12,7% chỉ sau một tuần giao dịch. SHB đang có chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp. Đáng chú ý, thanh khoản của SHB tăng vọt so với tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt hơn 29 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi mức này ở tuần trước là 16,2 triệu cổ phiếu/phiên. Riêng trong 2 phiên cuối tuần, SHB đều khớp lệnh được trên 40 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SAB của Sabeco (HOSE: SAB) cũng có mức tăng tích cực với 7,2% và góp phần lớn trong việc giữ nhịp tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID của BIDV (HOSE: BID), CTG của VietinBank (HOSE: CTG), TCB của Techcombank (HOSE: TCB) hay VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) cũng đều tăng giá trong tuần từ 1 - 5/11.
Ở chiều ngược lại, VHM của Vinhomes (HOSE: VHM) biến động không được tốt khi giảm hơn 4% và có đóng góp đáng kể trong việc kìm hãm đà tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, NVL của Novaland (HOSE: NVL) cũng giảm 3,9%.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu KHP của Điện lực Khánh Hòa tăng mạnh nhất và đây là tuần thứ hai liên tiếp cổ phiếu này lọt vào top các mã tăng cao nhất . Tuần trước, KHP +31,21%.
Có lẽ dư âm từ việc công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 nhảy vọt tiếp tục là động lực tăng giá của cổ phiếu KHP. Cụ thể, dù doanh thu thuần của KHP chỉ đạt hơn 1.143 tỷ đồng giảm gần 11% so với cùng kỳ, tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh 32% đã góp phần lớn giúp KHP đạt lợi nhuận sau thuế hơn 223 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 lỗ hơn 40 tỷ đồng.
Tổng cộng 10 phiên gần nhất, cổ phiếu KHP đều đóng cửa tăng điểm với 9 phiên trong đó là tăng kịch trần, giá cổ phiếu gần chạm mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh) kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2006.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tuy đã giảm nhiệt so với tuần bùng nổ trước đó nhưng sự phân hóa vẫn giúp một số cổ phiếu trụ vững, thậm chí còn tăng tốt như DC4, C47 và DTA.
Hai cổ phiếu công ty chứng khoán nhờ sức bật mạnh mẽ trong tuần qua cũng đã góp mặt là BSI và VIX. Trong đó, BSI đã có 9 phiên gần nhất đều tăng điểm, còn VIX cũng có 7/9 phiên, với hai phiên tăng trần đáng chú ý ngày 1/11 và 4/11.
Ở chiều ngược lại, phản ánh dòng tiền chốt lời ở nhóm bất động sản vừa và nhỏ vốn đã tăng mạnh thời gian gần đây đã khiến tuần này có tới 8 cổ phiếu có liên quan đến lĩnh vực này giảm sâu nhất.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HOSE từ 1 - 5/11
Trên sàn HNX, cổ phiếu API đang tạo sức hút mạnh và tiếp tục tiến lên các mức đỉnh mới.
Trong tuần, API đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường 2021 với các thông tin mới như thông qua 4 phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.130 tỷ đồng - gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại, trong đó, có cổ phiếu thưởng, ESOP, chào bán cổ phiếu cho cổ đông và chào bán riêng lẻ.
Đáng chú ý, tại Đại hội, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec cho biết, "Cổ phiếu API thời gian trước như lò xo bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt".
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX từ 1 - 5/11
Trên UpCOM, nhóm cổ phiếu tăng, giảm mạnh không có quá nhiều điểm nhấn, khi phần lớn chỉ có thanh khoản thấp trong phiên.
Vụ lừa đảo lớn nhất Việt Nam về ngoại hối và chứng khoán: Bất ngờ với học vấn của TikToker Mr. Pips
Lộ diện những nền kinh tế tốt nhất thế giới năm 2024: Duy nhất một đại diện châu Á lọt top