Biến động tỷ giá: đón cơ hội vàng, nhiều nhà băng báo lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối
Khi tỷ giá biến động mạnh theo chiều hướng tăng, giao dịch mua ngay - bán ngay của các ngân hàng dễ dàng có lãi.
Những ngày đầu tháng 9, chỉ số Dollar Index tiến lên mốc 105 - cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 21/9 ở mức 24.063 VND/USD. Đây là mức giá cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay.
Còn trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD tiếp tục chịu áp lực tăng mạnh lên quanh vùng 24.400 VND/USD sau tuần đầu tháng 9 giằng co quanh vùng 24.050 - 24.100 VND/USD.
Với bối cảnh kinh tế hiện tại, lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá biến động ở mức độ hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan điều hành tiếp tục theo đuổi mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất, giữ trạng thái thanh khoản ở mức dồi dào.
Bên cạnh đó, khi tỷ giá biến động thì lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối sẽ tăng. Nếu tỷ giá giằng co thì thị trường ngoại hối khó phán đoán nên lợi nhuận thường giảm.
Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng hết quý 2/2023 là mảng ngoại hối khi ghi nhận tăng trưởng từ 2-3 chữ số.
Vietcombank (VCB) tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối nhờ lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận gần 3.200 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 giữ vị trí tiếp theo lần lượt là VietinBank, BIDV và Agribank. Cụ thể, VietinBank (CTG) có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 47%, ghi nhận khoảng 2.350 tỷ đồng; BIDV thu về gần 1.500 tỷ đồng từ mảng này, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự dẫn đầu của Big 4 là nhờ sở hữu thế mạnh sẵn có trong mảng kinh doanh đối ngoại với mạng lưới giao dịch bao phủ rộng ở cả trong nước và nước ngoài, đi cùng yếu tố nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để quyết định cách thức kinh doanh ngoại hối của nhóm Big 4 khi báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay. Thực tế, với giá bán niêm yết trong nửa đầu năm 2023 thường xuyên cao hơn giá mua 350 - 400 đồng/USD, các ngân hàng có vốn nhà nước có được nguồn thu lớn và ổn định.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2023, NHNN mua vào hơn 6 tỷ USD, góp phần giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động mua - bán ngoại tệ. Cụ thể, NHNN thường xuyên duy trì giá mua USD tại Sở Giao dịch cao hơn 100 - 200 đồng/USD so với giá mua USD mà các ngân hàng áp dụng cho khách hàng. Theo đó, các ngân hàng chỉ cần mua USD từ khách hàng và bán lại cho NHNN thì mức lãi thuần cũng lên đến cả nghìn tỷ đồng.
10.000 tỷ đồng tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước tung ra, tín hiệu vui bắt đầu?
Tăng tiền lương đóng BHXH trong doanh nghiệp từ 1/7/2025?
Bắt hai chị em cầm đầu đường dây buôn lậu ngoại tệ qua biên giới, thực hiện trót lọt hơn 100 tỷ đồng