"Big 4" rao bán nợ xấu "đại hạ giá": Nhà đầu tư vẫn làm ngơ

06-06-2022 10:40|Nhã Kỳ

Các ngân hàng thời gian qua đã rất rốt ráo xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu được dự báo có nguy cơ tăng cao khi nhiều chính sách điều tiết sắp hết hiệu lực.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Hà Nội (BIDV Nam Hà Nội) thông báo bán đấu giá lần thứ 11 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm hơn 1.154 tỷ đồng.

So với mức giá chào bán lần đầu hồi cuối năm 2020, giá khởi điểm của khoản nợ này đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng sau 11 lần chào bán.

Trong khi đó, theo thông báo của BIDV, tính đến ngày 30/4/2022, tổng dư nợ của khoản nợ là gần 2.198,5 tỷ đồng và hơn 20 triệu USD (tương đương với khoảng 463 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ gốc là 1.110 tỷ đồng và 11,8 triệu USD; dư nợ lãi, phí phạt là hơn 1.088 tỷ đồng và 8,1 triệu USD.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh là hơn 64 ha Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có 2 bất động sản khác là quyền sử dụng 14.500 m2 đất nông nghiệp tại xã Lạc Hồng, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Đức Tuấn và bà Trần Thị Vui tại địa chỉ 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tài sản cũng bao gồm xe ô tô Lexus LS 460 màu đen, năm sản xuất 2007 và quyền khai thác mỏ chì kẽm Bó Liều tại xã Đồng Lạc và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Còn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới đây, thông báo lựa chọn đơn vị để định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ 1.364 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà cũng được đăng trên website chính thức của ngân hàng.

Khoản nợ được đảm bảo bằng loạt bất động sản gồm 4 lô đất tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 5 lô đất tại thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và nhiều lô đất khác, nhà máy, kho gạo thuộc sở hữu của Công ty Võ Thị Thu Hà tại tỉnh Đồng Tháp.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Giá khởi điểm rao bán trong lần gần nhất vào cuối tháng 3/2022 còn 988,9 tỷ đồng, giảm hơn 110 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng đó.

Tài sản đấu giá bao gồm các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và nhà xưởng của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam; hệ thống thiết bị máy móc sản xuất sợi tại Nhà máy 1 và Nhà máy 2 của Công ty nằm tại số 01 VSIP II, đường số 7, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và số 18, đường số 32, Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore IIA, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Hay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới cũng được rao bán hồi đầu năm. Tài sản bao gồm 6 quyền sử dụng đất và công trình nhà cửa gắn liền trên hơn 1.900 m2 đất tại địa chỉ 20 Trần Cao Vân (quận 1, TP HCM) có giá khởi điểm gần 430 tỷ đồng.

Tính riêng từ đầu tháng 5/2022 đến nay, BIDV đã đăng 47 thông báo bán nợ, phát mại tài sản, VietinBank cũng có số thông báo tương tự, Vietcombank đăng 15 thông báo, còn tại Agribank, số thông báo cho hoạt động trên lên tới 88.

Tuy nhiên, thế khó của ngân hàng là dù rao bán nhiều lần, thậm chí "đại hạ giá" tài sản nhưng vẫn chẳng tìm được người mua.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trạng ế ẩm trên là do còn vướng nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến định giá tài sản, giải chấp khoản nợ. Nhiều tài sản bảo đảm liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức nên việc sang tên sở hữu khá phức tạp, tốn nhiều thời gian...

Mặt khác, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, nhiều tài sản bảo đảm khi phát mại được định giá theo giá trị chưa sát với giá thị trường nên dù "đại hạ giá" vẫn khó bán.

Chưa kể, giá khởi điểm phải được đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm.

Nhập cuộc đường đua cổ tức hàng nghìn tỷ đồng, cổ phiếu ngân hàng vững đà dẫn sóng thị trường

Thị trường vàng có hiện tượng lạ?

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/big-4-rao-ban-no-xau-dai-ha-gia-nha-dau-tu-van-lam-ngo-133046.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Big 4" rao bán nợ xấu "đại hạ giá": Nhà đầu tư vẫn làm ngơ
    POWERED BY ONECMS & INTECH