Đa số người mua bảo hiểm không thể nào đọc hiểu hết 100 trang hợp đồng nếu không có chuyên viên ngồi kế bên dịch nghĩa từng câu chữ. mặc dù vậy, họ vẫn đặt bút ký vào hợp đồng.
Hiểu đúng khi tham gia bảo hiểm
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện bảo hiểm nhân thọ, các hợp đồng trong 3-5 năm đầu khi cá nhân tham gia bảo hiểm có rất nhiều mức phí. Nhiều nhất là phí bảo hiểm cơ bản, lên tới 60 - 85% phí bảo hiểm năm đầu và giảm dần những năm tiếp theo. Ngoài ra còn phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng… nên nếu tất toán, ngừng đóng trước khi hết hạn hợp đồng, thì số tiền có thể nhận về sẽ rất thấp sau khi trừ các loại phí này.
Mua bảo hiểm, trước tiên là mua về sự bình an trong tâm trí, nếu có bất kỳ rủi ro nào xảy đến thì chúng ta được bảo vệ. Và vì thế, sẽ chẳng có sản phẩm bảo hiểm nào vừa bảo vệ cho chúng ta, lại vừa có giá trị sinh lời như 1 khoản tiền đầu tư.
Liên quan tới đội ngũ tư vấn bảo hiểm, thông thường có 3 hình thức: các đại lý, tức các cá nhân độc lập được công ty đào tạo để đi bán bảo hiểm và hưởng hoa hồng từ hoạt động bán bảo hiểm, các ngân hàng phân phối bảo hiểm, hoặc thứ 3 là tư vấn tại chính các văn phòng của công ty bảo hiểm. Vấn đề thường thấy nhất là khi người tư vấn đã đề cho khách hàng kỳ vọng quá mức vào những gì bảo hiểm có thể thực tế mang lại.
Trên hợp đồng bảo hiểm thường có bảng minh hoạ dòng tiền, với các mức lãi suất tương ứng được Bộ Tài chính quy định là 5% và 7%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại đa phần công ty chỉ ghi nhận mức lãi 4%, có thể gây thất vọng với không ít khách hàng. Tuy nhiên, về phía tư vấn viên, cũng có những trường hợp chủ động sử dụng thủ thuật để làm đẹp dòng tiền.
Hiện có 4 sản phẩm bảo hiểm chính: Nhân thọ, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và sức khoẻ. Trong khi chỉ duy nhất nhân thọ là có giá trị tích luỹ, tức là tiền đóng vào được giữ lại và cộng dồn để trả lại khách, còn cả 3 loại bảo hiểm còn lại tiền đóng vào sẽ chính là phí dịch vụ và không được hoàn trả lại. Tuy nhiên, đôi khi phần này không được tư vấn rõ, càng khiến người mua bảo hiểm kỳ vọng nhiều hơn vào giá trị tích luỹ thu về sau thời gian dài đóng bảo hiểm.
Các luật sư khuyên rằng, khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, thì cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ, đọc kỹ hợp đồng.
Tính riêng bảo hiểm nhân thọ, đến nay, Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia, thấp hơn cả các nước trong cùng khu vực như tại Philippines là khoảng 38%, Malaysia là khoảng 50%, và Singapore vào khoảng 80%.
Rối não với hợp đồng bảo hiểm
Anh Hưng cho biết :"Cách đây 2 tháng tôi đem tiền đến ngân hàng để gửi, sau khi thông báo mức lãi suất thì cô nhân viên thao thao bất tuyệt về những quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Sau khi nghe xong tôi nói, cảm ơn chị đã tư vấn rồi xách bọc tiền đến ngân hàng khác gửi. Còn số tiền đã gửi trước đó tôi chờ đến kỳ hạn để rút ra hết đem gửi chỗ khác".
"Tối qua tôi có đọc lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có kết hợp đầu tư mà vợ mua cho mình, quả thực tôi không nghĩ nó là 1 hợp đồng bảo hiểm. Nó quá dài dòng, phức tạp trong cách dùng từ ngữ mà tôi nghĩ người có hiểu biết cũng không cắt hết nghĩa chứ đừng nói đến người ít đọc, ít học. Tôi và vợ đã bàn xem có nên tiếp tục sau 3 năm và mất 45 triệu không đấy các bạn ạ. Có lẽ nhà nước cần phải có quy định, chính sách chặt chẽ hơn với các thủ tục của các hợp đồng bảo hiểm này để bảo vệ người mua." Chị Ly chia sẻ.
Chưa kể BHNT bán ở các ngân hàng được đặt tên gần giống với tiền gửi, đầu tư, nên hầu hết cá nhân gửi tiền rất dễ bị nhầm lẫn. Nhân viên bảo hiểm thường đến các câu lạc bộ, khu công viên dành cho người cao tuổi để tư vấn, họ có tiền nhưng không thể hiểu biết về thị trường nên càng dễ nhầm lẫn.
Chị Giang (48 tuổi, TP.HCM) đã ký một hợp đồng BHNT vì nghe theo lời tư vấn rồi hiểu nhầm rằng mình đang tham gia một sản phẩm đầu tư sinh lãi cao. Sau hai năm nộp vào tổng cộng 300 triệu đồng, chị cần tiền nên làm thủ tục rút, thì được báo chỉ có thể nhận về 19 triệu đồng. Trang bìa hợp đồng BHNT của khách hàng này, phía trên cùng có logo của một công ty bảo hiểm (bên trái) và một ngân hàng thương mại (bên phải).
"Tên gọi sản phẩm bảo hiểm cũng có chữ "đầu tư". Ruột hợp đồng gồm 66 trang, trong đó sản phẩm chính gồm 7 chương và 29 điều, hai sản phẩm phụ có tổng cộng 8 chương và 24 điều, chưa bao gồm đơn yêu cầu BHNT, bảng minh họa..." Cũng như nhiều khách hàng khác, chị Giang cho biết đã tin tưởng người tư vấn và không đọc hết nội dung hợp đồng.
Nhiều ý kiến nói rằng, đọc hợp đồng bảo hiểm không hiểu, nhưng họ có quyền thắc mắc, có quyền yêu cầu nhân viên tư vấn trả lời rõ ràng. Nếu câu trả lời của nhân viên tư vấn không thuyết phục, họ có quyền từ chối cơ mà. Tại sao lại nhắm mắt ký hợp đồng trong khi mình không đọc, không hiểu?
Giải thích cho ý kiến trên, có độc giả cho rằng: "Để trở thành một chuyên viên Bảo Hiểm phải mất nhiều năm đào tạo. Vậy nên mới có chuyện mức lương trung bình trong Công ty Bảo Hiểm lên đến cả tỷ/năm. Bộ Tài Chính cần phải rà soát mẫu hợp đồng để bảo vệ người tiêu dùng nhưng cần nhiều thời gian để hoàn thiện, vì những thị trường non trẻ như Việt Nam giống như "con cừu" cho tập đoàn tài chính "làm thịt". Hầu hết người dân ko thể nào đọc hiểu hết 100 trang nếu không có chuyên viên ngồi kế bên dịch nghĩa từng câu chữ.
Do vậy, mới có chuyện 10 người mua bảo hiểm thì chỉ 1-2 người xuất sắc hiểu được hoặc gặp chuyên viên có tâm hướng dẫn chi tiết, 8 người còn lại chỉ hiểu sơ sài qua loa hợp đồng 100 trang, nhưng họ đặt bút ký là vì 99% họ tin vào uy tín của thương hiệu Tập đoàn, tin vào sự bảo chứng của pháp luật nhà nước Việt Nam, và tin vào chính lời mật ngọt của người chuyên viên tư vấn, mà những lời mật ngọt có cánh này được thúc đẩy mạnh mẽ từ áp lực doanh số của các tập đoàn bảo hiểm".
"Đã đọc và hiểu…" trước khi đặt bút ký
Bảo hiểm là sản phẩm tài chính có nhiều thuật ngữ, khái niệm không gần gũi với người ngoài ngành. Ngay cả nhiều chuyên gia tài chính và pháp luật không chuyên mảng bảo hiểm cũng gặp khó. Vì vậy, sản phẩm này cần đội ngũ tư vấn chuyên biệt. Việc đẩy hết trách nhiệm cho khách hàng không phù hợp cả về tình và lý.
Tìm hiểu kỹ về hình thức bancassurance - phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng ở Việt Nam, một bộ phận nhân viên tư vấn sản phẩm tài chính đang hoạt động như đội ngũ bán hàng: tập trung "chốt deal", không am hiểu sản phẩm và không đầu tư vào chất lượng tư vấn cho khách
Sau mỗi vụ việc, các tổ chức vẫn khẳng định chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng khi liên tiếp nhiều trường hợp tương tự xảy ra, nó trở thành lời cảnh báo có hệ thống về dịch vụ tư vấn và bán sản phẩm tài chính. Các tổ chức cung cấp hay trung gian bán hàng không thể phủi sạch trách nhiệm.
Vậy nên, nhiều luật sư đã đưa ra lời khuyên: "Trong nhiều năm trở lại đây, tòa án các nơi nhận nhiều vụ xét xử tranh chấp đến hợp đồng bảo hiểm, nhất là BHNT. Kết quả, hầu hết khách hàng thua kiện, không nhận được tiền bồi thường".
Thông thường các hợp đồng sẽ có thêm câu "Đã đọc và hiểu…" dù rằng nhiều khi không đọc, mà dù có đọc cũng không hiểu nên đây là điểm bất lợi cho khách hàng khi tranh chấp xảy ra. Đối với những hợp đồng chuyên ngành, từ ngữ khó hiểu như vậy, khách hàng nên thông qua luật sư để xem xét những điều khoản nào bất lợi hay không trước khi đặt bút ký.