7 cán bộ tòa án bị xử lý hình sự, 20 trường hợp bị kỷ luật hành chính
Trong vòng 6 tháng, đã có 7 cán bộ tòa án bị xử lý hình sự, 20 người bị xử lý kỷ luật hành chính và 1 trường hợp bị kỷ luật Đảng, hiện đang được xem xét xử lý kỷ luật hành chính.
Ngày 3/5, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí đã gửi đến Quốc hội báo cáo về tình hình hoạt động của hệ thống tòa án trong 6 tháng đầu năm, tính từ ngày 1/10/2024 đến 31/3/2025.
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 3/2025, toàn ngành tòa án có 13.920 biên chế, gồm 6.556 thẩm phán; 7.184 thẩm tra viên, thư ký tòa án và các chức danh tương đương; cùng với 88 viên chức và các chức danh khác.

Trong thời gian báo cáo, Chánh án TAND Tối cao đã trình Chủ tịch nước phê chuẩn, bổ nhiệm 2 thẩm phán TAND Tối cao; bổ nhiệm mới 13 thẩm phán cao cấp, 149 thẩm phán trung cấp và 386 thẩm phán sơ cấp; đồng thời bổ nhiệm lại 34 thẩm phán trung cấp và 199 thẩm phán sơ cấp; miễn nhiệm 5 thẩm phán và cách chức 1 thẩm phán.
Công tác quy hoạch, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Các hoạt động tuyển dụng, điều động, luân chuyển và biệt phái cán bộ cũng được thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm minh bạch và phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị.
Trong cùng kỳ, ngành tòa án đã tuyển dụng 233 thư ký viên và phê duyệt kết quả tuyển dụng 209 công chức thuộc các ngạch cho TAND cấp tỉnh. Về công tác điều động nhân sự, có 8 trường hợp được chuyển từ tòa án địa phương lên TAND Tối cao và TAND Cấp cao; 1 trường hợp được điều động từ TAND Tối cao sang cơ quan khác; 1 trường hợp quay trở lại TAND địa phương và 1 trường hợp được chuyển từ TAND Cấp cao về TAND Tối cao.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, báo cáo nêu rõ các hoạt động này được triển khai thường xuyên và nghiêm túc. TAND Tối cao đã ban hành Kế hoạch 66 về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong năm 2025.
Trong kỳ báo cáo, toàn ngành đã tổ chức 164 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ. Trong đó, TAND Tối cao thực hiện 5 cuộc thanh tra; TAND cấp tỉnh tiến hành 40 đoàn thanh tra công vụ và 116 đoàn kiểm tra nghiệp vụ tại 156 đơn vị TAND cấp huyện.

Kết quả thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra một số thiếu sót, vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ công chức, thẩm phán. Các đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc và kịp thời chấn chỉnh.
Lãnh đạo các tòa án đặc biệt chú trọng việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; tăng cường quản lý cán bộ; thực hiện nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành tòa án. Bên cạnh đó, các quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của thẩm phán và chế tài xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp cũng được thực hiện nghiêm minh. Những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ đều được phát hiện và xử lý kịp thời.
Công tác kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập trong ngành tòa án cũng được triển khai nghiêm túc. TAND Tối cao đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2025 và tổ chức xác minh tại 6 đơn vị, bao gồm TAND Cấp cao tại Hà Nội; TAND hai cấp tại Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Quảng Nam và Hậu Giang.
TAND cấp tỉnh cũng chủ động thực hiện kiểm tra công tác chuyên môn đối với TAND cấp huyện theo kế hoạch, nhằm phát hiện sớm, khắc phục kịp thời và rút kinh nghiệm đối với các sai sót trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong kỳ báo cáo, có 20 trường hợp bị xử lý kỷ luật hành chính, gồm 10 người bị khiển trách, 4 người bị cảnh cáo và 6 người bị buộc thôi việc. Ngoài ra, có 1 trường hợp bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách và đang được xem xét xử lý kỷ luật hành chính.
Về xử lý hình sự, có 7 trường hợp bị xử lý. Trong đó, 2 người đã bị khởi tố và buộc thôi việc; 5 người còn lại đã bị khởi tố nhưng chưa có bản án và hiện chưa bị xử lý kỷ luật hành chính.
>> Kỷ luật phó chủ tịch huyện trong vụ 'cho con gái quà cưới 600 công đất'