Dai-ichi Life báo lãi hơn 2.600 tỷ, trả lương cao vượt nhiều ngân hàng lớn
Dai-ichi Life chi hơn 1.348 tỷ đồng trả lương cho gần 2.000 nhân viên, mức thu nhập bình quân vượt nhiều ngân hàng.
Báo lãi trước thuế hơn 2.600 tỷ đồng
Năm 2024, Dai-ichi Life Việt Nam ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 19.208 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 2% so với mức 19.557 tỷ đồng của năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ phân khúc bảo hiểm liên kết đơn vị – từng là mảng trọng yếu – nhưng đã sụt giảm mạnh hơn 30%, từ 3.130 tỷ đồng xuống còn 2.171 tỷ đồng.
Trong khi đó, các sản phẩm chủ lực khác tiếp tục tăng trưởng ổn định. Cụ thể, bảo hiểm liên kết chung đạt 9.884 tỷ đồng (chiếm hơn 50% doanh thu), bảo hiểm hỗn hợp đạt 2.149 tỷ đồng (11%), và bảo hiểm bổ trợ đạt 4.669 tỷ đồng (24%). Bảo hiểm tử kỳ đóng góp khoảng 285 tỷ đồng.
Từ đó, doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt 18.414 tỷ đồng, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 18.578 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bảo hiểm, lợi nhuận gộp từ hoạt động bảo hiểm đạt 5.091 tỷ đồng, giảm 12% so với mức 5.775 tỷ đồng của năm 2023.
![]() |
>> Manulife, Prudential lỗ nặng từ kinh doanh bảo hiểm, vì sao Dai-ichi Life vẫn lãi đậm hơn 5.000 tỷ?
Bù lại, hoạt động đầu tư tài chính tiếp tục là trụ cột sinh lời của doanh nghiệp. Tổng doanh thu tài chính đạt 3.753 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn với 2.349 tỷ đồng, tiếp theo là lãi tiền gửi (605 tỷ đồng), cổ tức (63,8 tỷ đồng) và lợi nhuận từ công ty con (130 tỷ đồng). Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt 3.345 tỷ đồng, tăng gần 375 tỷ đồng so với năm trước.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Dai-ichi Life đã chi 4.691 tỷ đồng cho chi phí bán hàng – khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên tới 1.069 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm, Dai-ichi Life Việt Nam ghi nhận tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 2.671 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế đạt 2.169 tỷ đồng. Kết quả này giúp doanh nghiệp duy trì vị thế tích cực trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công ty bảo hiểm lớn cùng lúc báo lỗ từ hoạt động kinh doanh chính.
Đơn cử, Manulife Việt Nam lỗ hơn 2.170 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, trong khi Prudential Việt Nam cũng lỗ hơn 1.653 tỷ đồng từ mảng này.
Về chiến lược đầu tư, tính đến cuối năm 2024, tổng danh mục đầu tư tài chính của Dai-ichi Life đạt 53.839 tỷ đồng. Trong đó, danh mục đầu tư dài hạn chiếm tỷ trọng áp đảo với hơn 44.300 tỷ đồng, phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ (43.818 tỷ đồng), bên cạnh chứng chỉ quỹ và tiền gửi tổ chức tín dụng. Danh mục ngắn hạn đạt 9.539 tỷ đồng, tập trung vào cổ phiếu niêm yết, trái phiếu ngắn hạn và tiền gửi.
Cơ cấu đầu tư nghiêng mạnh về các tài sản thu nhập cố định và ít biến động, phản ánh định hướng chiến lược an toàn, phù hợp với đặc thù hoạt động dài hạn của khối bảo hiểm nhân thọ.
![]() |
Năm 2024, Dai-ichi Life Việt Nam ghi nhận tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 2.671 tỷ đồng. |
>> Sacombank (STB) và Dai-ichi Life Việt Nam đã trả 143 tỷ đồng bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm
Trả lương cao, thưởng lớn: Đãi ngộ nhân sự là ưu tiên chiến lược
Không chỉ duy trì lợi nhuận cao trong bối cảnh khó khăn, Dai-ichi Life Việt Nam còn gây chú ý với chính sách đãi ngộ nhân sự được đánh giá là thuộc nhóm hấp dẫn hàng đầu trên thị trường tài chính – bảo hiểm hiện nay.
Trong năm 2024, tổng chi phí lương và các khoản liên quan của doanh nghiệp đạt hơn 1.348 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong cơ cấu này, chi phí cho đội ngũ bán hàng chiếm 826 tỷ đồng, trong khi chi phí cho bộ phận quản lý và hành chính là 522 tỷ đồng. Với tổng số 1.974 nhân sự tại thời điểm cuối năm, mức chi này tương đương thu nhập bình quân của mỗi nhân viên là 682,8 triệu đồng/năm, tức khoảng 56,9 triệu đồng/tháng.
So với mặt bằng chung của ngành ngân hàng – vốn nổi tiếng với chính sách lương thưởng cao – mức thu nhập tại Dai-ichi Life vẫn vượt trội. Cụ thể, Techcombank – một trong những ngân hàng tư nhân có mức đãi ngộ dẫn đầu – ghi nhận thu nhập bình quân 48 triệu đồng/tháng.
MB đứng ở mức 44,7 triệu đồng/tháng, các ngân hàng lớn như Vietcombank và ACB dao động quanh mức 38 triệu đồng/tháng. TPBank ghi nhận mức sụt giảm xuống còn 34,14 triệu đồng/tháng. Ở chiều ngược lại, HSBC Việt Nam – một ngân hàng nước ngoài có mức đãi ngộ hấp dẫn với thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/tháng trong năm 2024.
Ngoài ra, Dai-ichi Life còn chi mạnh tay cho hệ thống phân phối. Trong năm qua, doanh nghiệp đã chi 1.854 tỷ đồng để trả thù lao cho đại lý và các kênh phân phối khác. Ngoài ra, hơn 1.136 tỷ đồng được dành cho các khoản khen thưởng và chi phí vượt chỉ tiêu, nhằm khuyến khích hiệu suất bán hàng.
Tuy nhiên, so với một số đối thủ trong ngành bảo hiểm nhân thọ, mức thu nhập tại Dai-ichi Life vẫn chưa phải cao nhất. Theo thống kê, mỗi nhân viên Manulife Việt Nam nhận bình quân 1,317 tỷ đồng/năm – tương đương khoảng 109,8 triệu đồng/tháng. Sun Life Việt Nam cũng chi trả bình quân 90,8 triệu đồng/tháng, trong khi Bảo Việt Nhân thọ đạt mức 79,4 triệu đồng/tháng.
Sự chênh lệch này cho thấy cuộc đua đãi ngộ trong ngành bảo hiểm nhân thọ đang trở nên khốc liệt không kém lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ tư vấn và năng lực phân phối để giữ vững thị phần.
>> Lỗ hơn 2.000 tỷ đồng từ bảo hiểm, vì sao Manulife vẫn lãi lớn?
Bảo hiểm nhân thọ và vai trò mới trong chăm sóc sức khỏe toàn diện
Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất Việt Nam kinh doanh ra sao trong năm 2024?