Bộ Chính trị đề nghị từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giúp học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức, năng lực của mình.
Kết luận của Bộ Chính trị ngày 12/8 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ, nhằm thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, các cấp chính quyền cần tập trung thúc đẩy hội nhập quốc tế với trọng tâm là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh và sinh viên, nhằm để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong môi trường giáo dục.
Ngôn ngữ thứ hai không phải là tiếng mẹ đẻ nhưng có thể được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Hiện tại, một số trường công lập tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh... đã bắt đầu thử nghiệm giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy tiếng Anh không chỉ còn là một môn học ngoại ngữ đơn thuần mà đang ngày càng được tích hợp mạnh mẽ vào môi trường giáo dục.
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới cơ chế quản lý giáo dục một cách toàn diện và bảo đảm đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này. Cụ thể, chi tiêu cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước và có cơ chế điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, các chính sách liên quan cần được rà soát và hoàn thiện nhanh chóng, đặc biệt là việc ban hành các luật quan trọng như Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, cần có sự thống nhất chương trình giáo dục trên toàn quốc và khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Bộ Chính trị cũng chỉ đạo việc tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu cơ chế luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, nâng cao trình độ. Việc đổi mới quản lý nhà nước đối với đội ngũ giáo viên cần được thực hiện đồng bộ, trong đó ưu tiên nâng cao thu nhập của giáo viên và áp dụng phụ cấp phù hợp với tính chất công việc cũng như điều kiện vùng miền. Xây dựng một hệ thống lương và phụ cấp hợp lý sẽ góp phần thu hút và giữ chân những người có tài năng vào ngành giáo dục.