Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ vào thời điểm dự án 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát vận hành?
VNDirect Research nhận định, nếu việc áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra, sẽ rơi vào thời điểm dự án Hòa Phát Dung Quất 2 vận hành (đầu năm 2025) để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt HRC tại Việt Nam.
Ngày 8/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) xuất xứ từ các quốc gia như Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam theo đơn khiếu nại từ Liên đoàn Thép châu Âu. Hai doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị khiếu nại tại Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa Hà Tĩnh.
"Bằng chứng do người khiếu nại cung cấp cho thấy khối lượng và/hoặc giá của sản phẩm nhập khẩu đang bị điều tra đã tác động tiêu cực đến số lượng bán ra, mức giá tính và thị phần mà ngành công nghiệp EU nắm giữ. Điều này tác động đáng kể đến hiệu suất chung, tình hình tài chính và tình hình việc làm của ngành công nghiệp EU" - thông báo cho biết. Ngoài ra, EC đã đặt hạn ngạch mới 15% đối với nhập khẩu HRC từ một số quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Thép cuộn cán nóng HRC |
Đánh giá về vấn đề này, VNDirect Research cho rằng, EU chỉ chiếm 3 - 11% tổng doanh thu của HPG trong 2 năm qua và nếu giả định tỷ lệ này với Formosa, cả hai nhà sản xuất HRC đều sẽ cố gắng bán sang các nước khác hoặc bán nhiều hơn tại Việt Nam. Vì vậy, ảnh hưởng từ quyết định của EC sẽ có tác động không lớn đến doanh nghiệp.
Hòa Phát Dung Quất 2 vận hành đúng thời điểm Bộ Công Thương áp thuế nhập khẩu HRC từ Trung Quốc, Ấn Độ?
Hiện tại, Bộ Công Thương đang điều tra HRC nhập khẩu từ một số công ty Trung Quốc và Ấn Độ, và kết quả có thể sẽ mất 3 - 5 tháng để hoàn tất. VNDirect Research nhận định, nếu việc áp thuế xảy ra, sẽ rơi vào thời điểm dự án Hòa Phát Dung Quất 2 vận hành (đầu năm 2025) để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt HRC tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp thuế sẽ chỉ áp dụng cho một số mã HRC có phạm vi giá thấp hơn nhiều so với giá trong nước hoặc ở một số lượng vượt quá mức khối lượng nhập khẩu cụ thể do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang điều tra thép mạ kẽm (tôn mạ) để quyết định có nên áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại thép mạ kẽm của Trung Quốc và Hàn Quốc hay không. Nếu điều này thành hiện thực, tất cả các nhà sản xuất thép mạ kẽm sẽ là bên hưởng lợi, bao gồm HSG, NKG, HPG và GDA.
Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ giai đoạn 1 |
Tính đến cuối tháng 7, dự án Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm, tổng vốn 85.000 tỷ đồng đã hoàn thành 80% giai đoạn 1 và 50% giai đoạn 2. Dự án vẫn đang đúng tiến độ và dự kiến vận hành thương mại vào quý I/2025. Dự án là một bước tiến quan trọng, giúp Hòa Phát lọt Top 30 công ty thép hàng đầu thế giới và tập trung nhiều hơn vào sản xuất HRC cho các ứng dụng chuyên biệt trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như ô tô, đóng tàu, kỹ thuật cơ khí, cấu trúc neo thép và thiết bị điện tử.
Hòa Phát Dung Quất 2 có 2 lò cao lớn gấp 2 - 3 lần so với Dung Quất 1, giúp giảm khí thải carbon và nâng cao chất lượng thép tổng thể, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt về môi trường. Chi phí sản xuất giảm mạnh do chỉ cần dùng 320kg than cốc/tấn thép và 6.000 công nhân, so với 360kg than cốc/tấn thép và 11.000 công nhân tại Dung Quất 1.