Ông lớn ngành thép từng 'chung mâm' với Hòa Phát và Hoa Sen chìm trong thua lỗ, chờ ngày thanh lý nhà máy
Thép Pomina rơi vào tình trạng "ngồi im" cũng lỗ đậm, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là tìm được nhà đầu tư sẵn sàng mua lại 2 nhà máy để có tiền trả nợ vay.
CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 46,3 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 279,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 47,8 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 504,1 tỷ đồng.
Khoản lỗ lớn của Pomina xuất phát từ việc doanh thu bán hàng chỉ bằng 50% giá vốn, dẫn đến công ty không thể mở rộng sản xuất. Đồng thời, việc "ngồi im" cũng phải chịu chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp lớn.
Pomina hiện đang sở hữu 3 nhà máy: Pomina 1 được xây dựng năm 2002, công suất 300.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 525 tỷ đồng; Pomina 2 được xây dựng năm 2005, công suất 600.000 tấn/năm, với quy mô vốn 1.100 tỷ đồng; và Pomina 3, được xây dựng năm 2009 trên khu đất 46 ha tại KCN Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm. Hiện tại, công ty đang tạm dừng hoạt động tại nhà máy Pomina 1 và 3.
Từng "chung mâm" với Hòa Phát nhưng giờ phải thanh lý tài sản
Nguồn: Tổng hợp (đơn vị: tỷ đồng) |
Pomina được thành lập vào năm 1999. Trong 11 năm đầu, công ty liên tục đưa vào hoạt động 3 nhà máy thép với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, chiếm lĩnh một phần lớn thị trường thép nội địa. Năm 2011, khi nhà máy Pomina 3 đi vào hoạt động, công ty nắm giữ 16,6% thị phần thép xây dựng, giữ vị trí hàng đầu trên thị trường.
Năm 2009, doanh thu của Pomina đạt 7.541 tỷ đồng, gần ngang bằng với Hòa Phát (8.244 tỷ đồng) và gấp hơn 2 lần Hoa Sen. Tuy nhiên, "đường dài mới biết ngựa hay", trong khi Hòa Phát và Hoa Sen liên tục tăng trưởng, doanh thu của Pomina lại chững lại. Sau đại dịch Covid-19, Pomina lần lượt lỗ sau thuế 1.079 tỷ đồng vào năm 2022 và 928 tỷ đồng vào năm 2023.
Tính đến ngày 30/6/2024, khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính riêng của Pomina là 1.769 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 1.093 tỷ đồng. Công ty đang gánh khoản nợ vay lên tới 4.343 tỷ đồng, trong khi tiền mặt chỉ còn 7,9 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Pomina là 8.356 tỷ đồng, phần lớn dồn vào tài sản dài hạn, bao gồm tài sản cố định và chi phí xây dựng dở dang dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3, với tổng giá trị 5.723 tỷ đồng. Dự án này đã tạo ra "cú trượt chân" của doanh nghiệp khi dành hơn 50% tài sản, chủ yếu từ vốn vay, để thực hiện trong bối cảnh thị trường thép đang gặp khó khăn.
Thương hiệu vang bóng 1 thời chìm trong thua lỗ |
Để tự cứu mình, Pomina lên kế hoạch bán hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, chỉ giữ lại nhà máy Pomina 2 tại KCN Phú Mỹ. Công ty ước tính giá trị của hai nhà máy này nằm trong khoảng 6.000 - 6.800 tỷ đồng, và dự định góp 900 - 1.000 tỷ đồng để thành lập một công ty mới cùng với đối tác khác. Số tiền còn lại, khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng, sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng và các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp chưa công bố danh tính đối tác quan tâm. Ngày 8/8, công ty thông báo đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei (Nhật Bản) vào cuối tháng 7/2024 để cung cấp đủ nguyên vật liệu, nhằm giúp Pomina 2 vận hành tối đa công suất vào tháng 9/2024.
Ngoài ra, Pomina cũng đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư "bí mật" với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025, đón đầu xu hướng đầu tư công và sự phục hồi mạnh mẽ của các dự án bất động sản.
>> Thép Pomina (POM) đưa ra phương án khắc phục cổ phiếu bị hạn chế giao dịch