Bộ Tài chính khẳng định, hiện nay Nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.
"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra", Bộ Tài chính cho biết.
Chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu phụ thuộc nhiều yếu tố
Ngoài ra, Bộ Tài chính khẳng định hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính cho rằng, yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.
"Cùng với đó, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống", Bộ Tài chính nêu rõ.
Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và ở mức cao, để kiềm chế tác động của giá xăng dầu tăng, nhà nước đã áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá; trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7 để góp phần bình ổn giá xăng dầu và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hướng đến giá xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thời gian vừa qua cho thấy, từ tháng 7/2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm; đồng thời, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít