Chứng khoán

Bộ Tài chính ủng hộ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước

Hải Băng 17/06/2024 - 11:47

Trước nguy cơ thị trường thép nội địa rơi vào tay Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Tại Hội nghị, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) bày tỏ lo lắng trước việc các nhà sản xuất trong nước có thể đánh mất thị trường nội địa khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Tình trạng cung vượt cầu của của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn.

Ở thị trường quốc tế, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường các “hàng rào” kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tăng nóng, tồn tại nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp thép.

Bộ Tài chính ủng hộ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các doanh nghiệp thép trong nước
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phát biểu tại Hội nghị

Trước những khó khăn hiện nay, VSA đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…

VSA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn bởi do đặc thù các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Ý kiến của các cơ quan, ban ngành

Đại diện Bộ Tài chính đồng tình với ý kiến của VSA về việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, đối với thuế nhập khẩu cần điều chỉnh theo hướng tăng dần nhằm tạo ra rào cản pháp lý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay khi các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các dự án khả thi. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có hội nghị sâu hơn nữa về việc tháo gỡ khó khăn tín dụng cho các doanh nghiệp ngành thép, xi măng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành vật liệu xây dựng như: đẩy mạnh đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu về quản trị, tài chính, đầu tư...

>> Vụ Hòa Phát và Formosa 'tuyên chiến' thép Trung Quốc: Hồ sơ gửi Cục Phòng vệ thương mại đã đầy đủ, hợp lệ

Liên danh Cienco 4 (C4G) sắp khởi công dự án sân bay Quảng Trị hơn 5.800 tỷ đồng

Cổ phiếu FPT, VGI, CMG 'chào thua' trước đà tăng của 1 công ty công nghệ đang chiếm lĩnh 'mỏ vàng' trên các đường cao tốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-tai-chinh-ung-ho-viec-ap-dung-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-de-bao-ve-cac-doanh-nghiep-thep-trong-nuoc-238918.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bộ Tài chính ủng hộ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước
POWERED BY ONECMS & INTECH