Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, tập trung tháo gỡ các vấn đề về đầu tư xây dựng, giá điện và giá nhiên liệu cho sản xuất điện.
Ngày 21/2/2023, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với ba tập đoàn năng lượng gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Các doanh nghiệp đã báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, trong đó PVN và TKV đều tăng trưởng, còn EVN ghi nhận thua lỗ.
PVN cho biết, tập đoàn đã hoàn thành tất cả chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh năm 2022 ở 5 lĩnh vực và tăng trưởng cao so với năm 2021. Trong đó, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt gần 17 triệu tấn, tăng 26% so với năm 2021. Sản lượng khai thác dầu đạt 10,8 triệu tấn, tương đương với năm 2021.
Đặc biệt, PVN hoàn thành đưa vào vận hành 5 mỏ, công trình dầu khí (nhiều hơn một công trình so với kế hoạch) đều sớm hơn so với kế hoạch từ 15 ngày đến 2 tháng. Trong tháng 1/2023, PVN đã khai thác khoảng 880.000 tấn dầu, vượt 11,2% kế hoạch tháng.
Tương tự, TKV cũng thông tin sản lượng than sạch thành phẩm năm 2022 đạt 42,2 triệu tấn, vượt 9% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 ước đạt 165.900 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch và vượt 19% so với thực hiện năm 2021. TKV dự kiến lợi nhuận khoảng 8.100 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với kế hoạch và nộp ngân sách khoảng 21.350 tỷ đồng, tăng 3.450 tỷ đồng so với kế hoạch.
Về phía EVN, sản lượng điện thương phẩm của tập đoàn này trong năm 2022 đạt 242,7 tỷ kWh, tăng 8% so với năm 2021. Tổn thất điện năng toàn tập đoàn là 6,25%, giảm 0,2% so với năm 2021. Tuy nhiên, EVN đang phải gánh khoảng lỗ 31.000 tỷ đồng do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng mạnh trong khi giá điện không tăng trong nhiều năm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu với ba doanh nghiệp ngành năng lượng tăng cường phối hợp, giải quyết những khó khăn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong mọi tình huống, phải đảm bảo đủ nguồn cung về năng lượng, bao gồm than, điện, xăng dầu... phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý mỗi tập đoàn cần rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền, hoặc của Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đề xuất lãnh đạo hai cơ quan kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
Đồng thời bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phê duyệt, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, tối ưu hóa dòng tiền, vận hành hiệu quả các công trình, dự án có tiềm năng.
Liên quan đến kiến nghị của các Tập đoàn đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, tập trung tháo gỡ các vấn đề về đầu tư xây dựng, giá điện và giá nhiên liệu cho sản xuất điện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp….
Trong đó nêu rõ nội dung cần thực hiện, tiến độ thực hiện và đơn vị chủ trì thực hiện; đồng thời giao các Cục/Vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với EVN, Petrovietnam và TKV triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết hoặc báo cáo cấp thẩm quyền cao hơn để xem xét, giải quyết.
Giá xăng dầu hôm nay 14/12: lấy lại đà tăng
VietinBank (CTG) sẽ bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ nghìn tỷ của đại gia xăng dầu Trung Linh Phát