Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Hiện nợ thuế tiền sử dụng đất toàn quốc là 89.000 tỷ đồng, nguy cơ không những bị thất thu mà còn lãng phí nguồn lực'
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến ngày 7/7/2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.057,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán; chi ngân sách Nhà nước ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, góp phần kéo dài danh mục nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết; không cấp mới bảo lãnh cho các dự án trong nước và nước ngoài.
Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sự nỗ lực, vượt khó không ngừng của toàn ngành Tài chính thời gian qua đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân và tạo đà quan trọng hoàn thành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm trong những tháng cuối năm 2024.
Trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực tế và dự báo trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đối với các chính sách về chi ngân sách Nhà nước, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính đã đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ và giao dự toán chi ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc lưu ý những vấn đề cần phải làm tốt hơn, trong đó có lĩnh vực đầu tư công, tốc độ giải ngân còn chậm do nhiều nguyên nhân, cần có các giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm: Thời gian qua, do tình hình khó khăn, cần nhiều nguồn lực cho hoạt động đầu tư công, xây dựng hạ tầng, thực hiện an sinh xã hội, các đơn vị đã phải thực hiện thắt chặt chi tiêu.
Trong thời gian tới, quan điểm là cần triển khai chính sách tài khóa mở rộng, báo cáo triển khai các giải pháp miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, người nộp thuế. Đặc biệt, trong năm 2025 tập trung các nguồn lực tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
>> Công trình kè hơn chục năm tuổi tại TP. HCM chuẩn bị được 'thay áo mới'
"Quan điểm là tạo điều kiện để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, thà làm được có thuế nộp còn hơn là không làm được không nộp thuế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu thông điệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí...
Đáng chú ý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho hay, theo số liệu chưa đủ, hiện nợ thuế tiền sử dụng đất toàn quốc là 89.000 tỷ đồng, nguy cơ không những bị thất thu mà còn lãng phí nguồn lực, gây bất ổn xã hội, người dân nộp tiền cho doanh nghiệp bất động sản giờ không trả quyền lợi không được giao tài sản, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Trong khi các doanh nghiệp đã thu tiền làm các việc khác, thậm chí nguy cơ phá sản; cần có các cơ chế, bảo đảm quản lý lĩnh vực này chặt chẽ hơn, trong đó, gắn chặt việc quản lý nghĩa vụ về thuế khi triển khai các dự án bất động sản.
Siêu dự án Đại Ninh có diễn biến mới, tiền sử dụng đất từ 262 tỷ giảm còn 3,2 tỷ đồng
Lý do Lâm Đồng giảm tiền sử dụng đất dự án Đại Ninh từ 262 tỷ còn 3,2 tỷ đồng