Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực tài chính; tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cao tốc đúng yêu cầu.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT chiều nay (10/7), ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư/ban QLDA đang tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới.
5 dự án đường bộ lớn sắp khởi công
Trong đó, 5 dự án sẽ phấn đấu khởi công vào cuối năm 2023 gồm đường Hồ Chí Minh các đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn (28,5 km); Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (55 km); Chơn Thành-Đức Hòa (gần 73 km); Cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (hơn 11 km); Cầu Đại Ngãi.
Theo ông Dũng, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu đã nỗ lực, quyết tâm, nhiều dự án quan trọng đã kịp thời được đưa vào khai thác sử dụng, bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu như Dự án Cao tốc Bắc-Nam các đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Nha Trang-Cam Lâm; Dự án kênh nối Đáy-Ninh Cơ đã hoàn thành.
Hàng loạt dự án quan trọng khác như Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải, Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn... cũng đang được Bộ GTVT đôn đốc các chủ đầu tư/ban quản lý dự án rốt ráo triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Mặt bằng tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ
Bên cạnh những dự án đang được triển khai tốt, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay: "Vẫn còn một số dự án còn chậm tiến độ".
Trong đó, giá trị khối lượng hoàn thành của Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 mới đạt 3.648/29.108 tỷ đồng (đạt 12,5% số vốn bố trí cho năm 2023).
Ông Tiến chỉ ra nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm, mặt bằng bàn giao không liên tục, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công; nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương.
“Một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ được Bộ giao. Một số nhà thầu thi công dàn trải, chưa giải quyết dứt điểm được các dự án cũ theo đúng kế hoạch dẫn tới chưa triển khai các dự án mới theo tiến độ yêu cầu; năng lực tổ chức triển khai, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa chú trọng bố trí nhân sự nội nghiệp cho công tác nghiệm thu, thanh toán”, ông Tiến nhìn nhận.
Nỗ lực giải ngân 90.000 tỷ đồng 6 tháng cuối năm
Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 37% là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để có thể giải ngân hết 63% còn lại (tương đương hơn 90.000 tỷ đồng) trong 6 tháng cuối năm cần phải quyết liệt, tranh thủ từng giây từng phút, nỗ lực giải ngân.
"Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt đi thị sát từng dự án, phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn. 6 tháng cuối năm cần tập trung tối đa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa đi hiện trường và làm việc với các địa phương để kịp thời gõ khó cho các nhà thầu, mới có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu có chế tài xử lý với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ.
Bộ trưởng cũng đề nghị các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực tài chính; tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cao tốc đúng yêu cầu; kịp thời báo cáo Bộ tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền của ban quản lý dự án và chủ đầu tư; điều chuyển các dự án giải ngân chậm...
Vụ Tài chính cần sớm hoàn thiện và trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư, xử lý tồn tại bất cập của các dự án BOT cũng như đẩy nhanh việc đấu thầu đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ cao tốc giai đoạn 1…
Đi sâu từng lĩnh vực, Bộ trưởng chỉ đạo các cục chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không. Sở GTVT địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thông qua công nghệ có chế tài xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải.
Cục Đường bộ Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe... Cùng với đó, cần tăng cường bảo trì đường bộ, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cơ quan này cũng cần khẩn trương xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn theo hướng rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm, bảo đảm công khai, minh bạch, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…
Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), trong 6 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng, cao gấp khoảng 1,5 lần mức trung bình ở những tháng trước.
Căn cứ kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký, trong quý III/2023, sản lượng giải ngân của Bộ ước gần 21.300 tỷ đồng. Riêng tháng 7, khoảng hơn 6.800 tỷ đồng. Khối lượng giải ngân năm 2023 tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, số vốn GPMB giao năm 2023 lên đến khoảng hơn 14.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6/2023, giá trị giải ngân mới được gần 5.200 tỷ đồng, đạt khoảng 30% giá trị.