Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đầu tư văn hóa lâu nay 'chưa làm được bao nhiêu'
Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc đầu tư trong lĩnh vực văn hóa lâu nay chưa nhiều, “chưa làm được bao nhiêu” trong khi dư địa còn lớn. Chính vì vậy, phải tìm kiếm thị trường tiềm năng tại TPHCM.
Ngày 15/10, trao đổi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao trên địa bàn TPHCM năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận việc đầu tư trong lĩnh vực văn hóa lâu nay chưa nhiều, “chưa làm được bao nhiêu”, trong khi dư địa còn lớn. Chính vì vậy, phải tìm kiếm thị trường tiềm năng tại TPHCM trong lĩnh vực VH-TT&DL, đồng thời định vị vị trí của TPHCM trong dư địa phát triển của VH-TT&DL để có cách nhìn bao quát, tổng thể.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trao đổi tại hội nghị. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng TPHCM không chỉ là đầu tàu về kinh tế, xã hội mà còn dẫn đầu ở lĩnh vực văn hóa. Điều này không phải do thành phố tự suy tôn, thừa nhận mà là lịch sử phát triển của vùng đất này tạo nên thương hiệu của đầu tàu và điều đó cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định từ những cơ sở chính trị. Do đó, chính quyền thành phố cần định vị lại vị thế để tạo ra thị trường tiềm năng, thu hút được nhà đầu tư.
Theo ông Hùng, văn hóa của TPHCM đã có những giá trị, bản sắc, tinh thần vững chắc mà hầu như ai cũng có quyền tự hào khi được làm công dân của TPHCM, khi được đến công tác, khi được đầu tư một dự án ở thành phố này.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận TPHCM có một kho tàng văn hóa đồ sộ với 185 di tích đã được xếp hạng và nhiều loại hình văn hóa dân gian khác. Theo ông, nếu biết đánh thức, biết khai thác, làm giàu cho tài nguyên văn hóa này và dựa trên trụ cột tài nguyên văn hóa, chắc chắn văn hóa sẽ rất phát triển.
“Trong các nguồn tài nguyên tự nhiên, thiên nhiên, chúng ta khai thác rồi cũng đến ngày nó cạn kiệt, nhưng tài nguyên văn hóa nếu được khai thác, được bồi đắp thì sẽ phong phú, lan tỏa sức mạnh bền hơn và tài nguyên này không bao giờ cạn kiệt hay mất đi. Thế giới sẽ biết Việt Nam, tự hào về Việt Nam và người Việt Nam cũng dựa trên tài nguyên này để phát triển kinh tế một cách bền vững”, Bộ trưởng Hùng nói.
Ông cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau xây dựng hệ sinh thái về văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển về đầu tư trong lĩnh vực này.
Quang cảnh buổi hội nghị. |
Cùng tạo nên một trung tâm văn hóa đa dạng, bản sắc
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư về tiềm năng phát triển văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa (CNVH) của TPHCM.
Theo ông Mãi, TPHCM đã có được cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 và đang triển khai cụ thể hóa nghị quyết này bằng các quy trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và thành phố đang tập trung đầu tư để phát triển TPHCM trở thành trung tâm lớn về văn hóa, xã hội. Trong quá trình đầu tư phát triển, TPHCM kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng với thành phố khai thác cơ hội này và cùng đóng góp để phát triển thành phố.
TPHCM có tiềm năng đa dạng để phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: Ngô Tùng. |
Với việc giới thiệu Đề án CNVH TPHCM cũng như một số dự án cụ thể tại hội nghị này, ông Phan Văn Mãi khẳng định thành phố không chỉ muốn các nhà đầu tư đến để đầu tư 1-2 dự án cụ thể, mà muốn lắng nghe các ý kiến góp ý của các nhà đầu tư về phát triển CNVH ở các khía cạnh như cần tập trung những trọng tâm như thế nào, cần thêm những cơ chế, chính sách nào và chính quyền thành phố cần hành động ra sao để nhà đầu tư thực sự yên tâm đầu tư.
Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ với 8 ngành ưu tiên theo đề án, TPHCM mong muốn phát triển cả một hệ sinh thái cho từng ngành cũng như các ngành này với nhau nhằm xây dựng thành phố thành là một trung tâm lớn về văn hóa. Và ở đó, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đầu tư, cùng tham gia vào các hoạt động để thực sự tạo nên một trung tâm văn hóa đa dạng, bản sắc.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Trần Thế Thuận, hiện TPHCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó có 23 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua danh mục đầu tư, gồm 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước và 18 dự án thành phố đang mời gọi nhà đầu tư quan tâm cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Một số dự án trọng điểm, có quy mô lớn tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức), tại Khu Trường đua Phú Thọ (quận 11) đang được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng CNVH mới cho TPHCM.
Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp có thêm 5 dự án văn hóa, thể thao hơn 2.000 tỷ đồng
TPHCM: Phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 148.000 tỷ đồng năm 2030