Bộ trưởng Tài chính: Nghiên cứu chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội
Một số đại biểu Quốc hội nêu thực trạng nhà tái định cư, chung cư bỏ hoang gây lãng phí trong khi nhu cầu người dân rất lớn. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các bộ ngành đang nghiên cứu chuyển nhà tái định cư thành nhà ở xã hội.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhận định việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh.
Với nhà ở xã hội, đại biểu cho biết "có nơi thì thừa, nơi thì thiếu". Trong khi đó gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp.
"Cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi điều này", đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.
Với nhà tái định cư, nữ đại biểu dẫn con số thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức, TP.HCM.
Ở Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang phế như ở quận Long Biên, Cầu Giấy…đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân thì vấn còn thiếu chỗ ở. Do đó, đại biểu Yên cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) chia sẻ, ở Hoàng Mai (Hà Nội), các căn hộ chung cư mà thời gian trước được sử dụng để làm bệnh viện dã chiến chống Covid-19 hiện để trống rất nhiều.
"Nếu đi qua cầu Chương Dương sang Gia Lâm thì có thể thấy hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Tôi tìm hiểu thông tin, được biết ở Hà Nội có khoảng 14.000 căn chung cư tái định cư chưa được sử dụng. TP.HCM có 14.000 căn tái định cư cũng chưa được sử dụng", ông Hiếu phát biểu.
Đại biểu bày tỏ "các căn hộ tái định cư, chung cư không được sử dụng rất là lãng phí", trong khi đó giá chung cư hiện nay đang lên rất cao, nhu cầu rất nhiều.
Đại biểu đề nghị phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đưa các căn hộ này vào sử dụng. Đại biểu cho biết, nhiều địa phương cũng nghĩ đến việc thực hiện đấu giá, nhưng chưa tìm được định giá.
Tại sao người dân lại không về các khu tái định cư? Đại biểu cho rằng, ngoài mức giá đền bù chưa thoả đáng còn là vấn đề an sinh xã hội xung quanh khu tái định cư chưa đáp ứng được.
"Xây căn hộ chung cư mà xung quanh không có trường học, bệnh viện thì không ai yên tâm mà về ở", Đại biểu cho biết.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhà tái định cư là tài sản của nhà nước, nên các quy định, thủ tục phải thực hiện theo luật. Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu chuyển đổi chung cư tái định cư sang nhà ở xã hội.
Trong cuộc họp vào giữa tháng 5 khi bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội, nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây thông tin, nhiều khu tái định cư ở các thành phố lớn có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Tại Hà Nội có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ. Số căn tái định cư bỏ hoang khoảng 4.000. Tại TP HCM, có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, trong đó, riêng khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) có hơn 5.300 căn không có người ở, dự án Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn bỏ hoang.
>> Hancorp (HAN) dự làm gần 10.000 căn nhà ở xã hội tại 3 tỉnh thành
Hancorp (HAN) dự làm gần 10.000 căn nhà ở xã hội tại 3 tỉnh thành
An cư với nhà ở xã hội cho thuê: Yêu cầu mới đòi hỏi tư duy mới