Bất động sản

An cư với nhà ở xã hội cho thuê: Yêu cầu mới đòi hỏi tư duy mới

Tiểu Thúy 23/05/2024 - 10:17

An cư không nhất thiết là phải sở hữu. Chính vì thế nhà ở xã hội (NƠXH) cho thuê là mô hình nên cân nhắc phát triển lâu dài. Theo các chuyên gia, cùng với lực đẩy chính sách, sự đột phá về tư duy của DN, người dân quyết định sự thành bại của loại hình nhà ở này.

Nhà ở xã hội tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Nhà ở xã hội tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Hàng triệu công nhân chật vật tìm chốn an cư

Những năm gần đây, nhu cầu về NƠXH ngày càng tăng cao tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Song, các dự án NƠXH dù nhận được nhiều sự quan tâm vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, khiến người dân, nhất là người thu nhập thấp phải chật vật để an cư.

Thống kê mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX). Tuy nhiên, nhà ở phục vụ công nhân chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.

Việc đẩy nhanh Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực thi hành sẽ khơi nguồn cung NƠXH đồng thời khuyến khích DN "mạnh tay" hơn để tham gia phát triển loại hình NƠXH cho thuê. Tin rằng, khi luật mới đi vào cuộc sống, nguồn cung NƠXH dự kiến cũng sẽ tăng mạnh nhờ chính sách ưu đãi và những hỗ trợ mới.
PGS.TS Nguyễn Lữ Phương - Trường Đại học TN&MT TP Hồ Chí Minh

Theo Ban Quản lý các KCN và KCX Hà Nội, trên địa bàn có 10 KCN, gần 170.000 công nhân. Hầu hết các KCN chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, mới có 4 KCN có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ ở. Số nhà ở này mới đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu.

Tương tự, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện cũng chỉ có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 lao động, chiếm 15% lao động trong các KCX, KCN.

Ngoài Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhiều thủ phủ công nghiệp như Bắc Ninh, Hải Dương, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… số lượng nhà ở dành cho công nhân cũng rất hạn chế.

Trên thực tế, tình trạng thiếu thốn về nhà ở không chỉ phổ biến đối với công nhân các KCN, lao động thu nhập thấp ở nhiều ngành nghề khác cũng đang gặp khó khăn tương tự trong việc tìm chốn an cư, khi mà tài sản tích luỹ không có mà giá nhà lại ngày càng tăng.

Từ những thực tế trên cho thấy, bài toán về NƠXH chưa bao giờ hết “nóng”! Vì vậy các chuyên gia cho rằng, nên xem xét phát triển đa dạng mô hình NƠXH, trong đó ưu tiên phát triển mạnh NƠXH chỉ để cho thuê, nhằm hỗ trợ tất cả những người có thu nhập thấp (bất kể họ là ai) được có nhà ở, hạn chế tình trạng bán sai đối tượng, trục lợi từ chính sách NƠXH. “Dù là NƠXH cho thuê cũng phải nghiên cứu kỹ để phát triển sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh tình trạng NƠXH “thiếu mà vẫn ế” như đã và đang xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước”- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA) Lê Hoàng Châu khuyến cáo.

Nhà mua hay nhà thuê đều là “mái ấm”

Bày tỏ ủng hộ giải pháp NƠXH chỉ cho thuê thay vì bán đứt, chị Trần Thị Ánh Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Giá NƠXH hiện vẫn cao hơn rất nhiều so với thu nhập của gia đình tôi, cơ hội mua được rất mong manh, chưa kể đến tính minh bạch, thủ tục rờm rà…Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu chúng tôi được thuê NƠXH với chất lượng xây dựng tốt, an ninh đảm bảo mà không bị gánh nặng tài chính”.

Đồng quan điểm, anh Lê Minh Tú (ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều NƠXH cho thuê: “Thực lòng tôi không bao giờ dám mơ đến chuyện có một căn nhà ở TP Hồ Chí Minh, điều tôi muốn chỉ đơn giản là sớm dọn khỏi căn phòng trọ nhỏ, mái tôn, nắng nóng, bữa cơm nào cũng mồ hôi chảy ròng trên má. Mùa mưa đến thì ẩm ướt, con hẻm trước khu trọ lênh láng nước” - anh Lê Minh Tú bùi ngùi.

Ở góc độ DN, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hoà nhận định, NƠXH cho thuê giá rẻ sẽ đáp ứng nhu cầu rất lớn của nhiều người dân có thu nhập thấp ở đô thị. Tuy nhiên, đây không phải là loại hình mới hoàn toàn, vì trên thực tế đã nhiều DN triển khai NƠXH cho thuê, song không có mấy đơn vị mặn mà với loại hình này. Theo quy định, chủ đầu tư phải dành 20% trong tổng số căn hộ NƠXH để cho thuê phục vụ người dân. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư như ngồi trên "đống lửa" vì không có người thuê. Thực trạng ấy diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, và nhiều dự án.

Ông Trần Khánh Quang nhấn mạnh: “Để mục tiêu an cư với NƠXH cho thuê thành công, bắt buộc phải có chính sách đột phá “đi trước mở đường”. “Làm NƠXH để bán đã khó, làm NƠXH cho thuê còn khó khăn gấp bội. Do đó, nếu không kịp thời thay đổi, cải tiến các vướng mắc thủ tục hành chính, lợi nhuận thấp và quy định chồng chéo để kéo DN làm NƠXH, thì hãy khoan mơ về NƠXH cho thuê”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Lê Thành cũng đánh giá, với NƠXH nói chung và NƠXH cho thuê nói riêng, chính sách khuyến khích từ Nhà nước có vai trò quyết định: “Lợi nhuận làm NƠXH vốn đã thấp, sắp tới sẽ còn bị thu hẹp chỉ còn 10% nên khó khuyến khích các DN tham gia đầu tư. Đặc biệt, quy trình thủ tục thật sự là nỗi ám ảnh với các DN” – ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác phát triển NƠXH của Việt Nam đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Hiện nhiều nước trên thế giới chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà: “Để xã hội phát triển hài hòa thì khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư cần được thu hẹp và nhóm yếu thế cần được hỗ trợ, trong đó có vấn đề nhà ở. Nhưng một chỗ ở ổn định không nhất thiết phải thuộc sở hữu riêng, nhà mua hay nhà thuê chỉ cần có mái ấm là được” - ông Vũ Đình Ánh nói.

Một góc nhìn khác, khi bàn về NƠXH cho thuê, TS Đinh Thế Hiển lại chú trọng vào nguồn vốn. Theo ông Hiển, trong bối cảnh chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi dành cho phát triển NƠXH khó giải ngân, thì việc phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ phát triển NƠXH sẽ giúp khơi thông vốn cho đề án xây dựng 1 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030. “Dù là mua hay thuê NƠXH, theo trình tự trước hết phải có nguồn cung, vấn đề cải thiện nguồn cung NƠXH là quan trọng nhất lúc này” – TS Đinh Thế Hiển lý giải.

Còn dưới góc nhìn pháp lý, theo luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện đầu tư phát triển NƠXH trong thời gian tới, Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tích cực được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mà nên suy xét, xây dựng thêm những nội dung khác về mức vốn cho vay cũng như thời hạn cho vay theo hướng có lợi hơn cho người hưởng chính sách hỗ trợ. Các gói tài chính nên được kéo dài hơn, tối đa 20 năm hoặc 25 năm, với các mức hỗ trợ tối đa 80% hoặc 85% giá trị hợp đồng.

“Cần có quy định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận đối với việc xây dựng NƠXH, NƠXH cho thuê. Cách làm này sẽ giúp hạn chế tình trạng đùn đẩy dẫn đến không ai thực hiện” - luật sư Lê Thu Thảo phân tích.

Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân, chứ không lo sở hữu nhà cho mọi người. Do đó, cần phải có quỹ nhà cho thuê, do Nhà nước và DN thực hiện, mà điển hình là NƠXH cho thuê. Chương trình nên đa dạng, NƠXH ngoài để mua thì phải có thuê và thuê mua.
Luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh

Từ 1/1/2025, có đến 12 đối tượng đủ điều kiện sẽ được mua nhà ở xã hội

Novaland bắt tay cùng ‘ông trùm’ nhà ở xã hội, làm chao đảo thị trường địa ốc

Novaland ‘bắt tay’ Hoàng Quân (HQC) gia nhập đường đua nhà ở xã hội

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/an-cu-voi-nha-o-xa-hoi-cho-thue-yeu-cau-moi-doi-hoi-tu-duy-moi.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
An cư với nhà ở xã hội cho thuê: Yêu cầu mới đòi hỏi tư duy mới
POWERED BY ONECMS & INTECH