Bộ Văn hóa tiếc cho Quang Linh Vlogs, một đoạn quảng cáo bằng giá cả tương lai
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử đã có chia sẻ gây chú ý về Quang Linh Vlogs.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm quảng cáo thời gian qua, một số vấn đề cần được làm rõ để xác định rõ trách nhiệm và tính pháp lý.

Trước hết, ông nhấn mạnh rằng, cơ quan quản lý chuyên ngành là đơn vị có trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm vi phạm trong quảng cáo, chứ không phải cơ quan quản lý hoạt động quảng cáo. “Sữa giả, hàng giả, thực phẩm chức năng giả thì Bộ Y tế, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm quản lý, kiểm định, Bộ VHTTDL làm sao biết được. Khi hai bộ trên xác định sản phẩm là giả, kém chất lượng, Bộ VHTTDL sẽ có trách nhiệm xử lý”, ông Tự Do khẳng định.
Liên quan đến trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, ông Tự Do cho biết hiện không có quy định nào phân biệt hay tăng nặng mức xử phạt đối với họ. Tất cả những người tham gia quảng cáo sai sự thật đều bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Một thực tế được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử ghi nhận là phần lớn người nổi tiếng và KOLs hiện nay có hiểu biết hạn chế về pháp luật trong hoạt động quảng cáo. “Đây là hồi chuông cần cơ quan báo chí cảnh báo tới mọi người vì họ nhận hợp đồng quảng cáo vô tội vạ, không quan tâm nhiều nội dung người ta đưa ra có thật, có đúng hay không, dẫn đến vi phạm pháp luật”, ông Tự Do nói.

Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhắc đến trường hợp của Quang Linh Vlogs. “Chúng tôi đau lòng trường hợp của Quang Linh Vlogs gần đây vướng vòng lao lý. Em ấy làm được nhiều việc tốt nhưng thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phải chịu trách nhiệm hình sự, rất đáng tiếc. Chúng tôi ước ao em ấy hiểu biết pháp luật hơn để tránh được hậu quả đau lòng như thế này”, ông chia sẻ.
Theo ông, người nổi tiếng thường có tính cách nghệ sĩ, dễ cảm tính và hay biến tấu thông điệp. Một số trường hợp sản phẩm chỉ quảng bá “tăng chiều cao vượt trội” nhưng nghệ sĩ lại nói có thể cao thêm 5-10cm, dẫn tới “nổ” và “lố” trong cách truyền đạt. Không ít nghệ sĩ sử dụng kinh nghiệm cá nhân để đánh giá sản phẩm và mặc định rằng tất cả người tiêu dùng đều giống họ.
Bình luận về Bộ quy tắc ứng xử dành cho người nổi tiếng, ông Lê Quang Tự Do cho rằng đây không phải là văn bản pháp luật nên không có giá trị bắt buộc và cũng không đi kèm chế tài xử phạt. Theo ông, việc Bộ quy tắc này không có chế tài khiến nó thiếu tính răn đe, trong khi nếu bổ sung chế tài thì lại không thể gọi là "quy tắc ứng xử" mà buộc phải được thể chế hóa thành các Nghị định. Ông dẫn chứng rằng trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thể chế hóa một số nội dung trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ đề xuất đưa một số nội dung vào Luật Quảng cáo trình Quốc hội trong tháng 5 tới, đồng thời tích hợp vào Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo ông, chỉ khi đó mới có thể đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm.

Dù vậy, ông Tự Do vẫn cho rằng Bộ quy tắc ứng xử không kèm chế tài là cần thiết vì đây là cách làm được nhiều quốc gia áp dụng nhằm định hình môi trường văn hóa và tạo điều kiện để khán giả thể hiện quan điểm cá nhân với nghệ sĩ vi phạm.
Ông Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước kia) và Bộ VHTTDL đã phối hợp xây dựng quy chế liên quan đến việc “hạn chế sự xuất hiện hình ảnh trên báo chí, không gian mạng, sân khấu nghệ thuật biểu diễn” đối với nghệ sĩ vi phạm Bộ quy tắc ứng xử. Dù quy chế này được ban hành vào cuối năm 2024 và trong 4 tháng qua chưa có trường hợp nào bị xử phạt, nhưng dự kiến thời gian tới sẽ có “xử điểm” một số trường hợp, rất có thể liên quan đến hành vi vi phạm quy định về quảng cáo.