Bốc hơi 10 tỷ USD, TTCK giảm mạnh nhất châu Á: Bán tháo, chốt lời, sau đó là gì?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giảm hiếm có, lao dốc 4,5%, giảm mạnh nhất châu Á và bốc hơi cả chục tỷ USD. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng những cú sụp như phiên 18/8 thì cơ hội hơn là rủi ro.
Vậy điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán (TTCK), khi mà các nhà đầu tư (NĐT) trong nước bán tháo bằng mọi giá, khiến cả nghìn cổ phiếu giảm giá, trong đó có 275 mã giảm sàn, trong khi các NĐT nước ngoài quay đầu mua ròng mạnh trở lại.
PV có cuộc trao đổi với ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund, về phiên giảm giá hiếm có gắn liền với một số kỷ lục mới cũng như triển vọng của dòng tiền, của TTCK Việt Nam.
Chốt lời + tâm lý yếu nên hoảng loạn
- Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên lao dốc ngày 18/8, với chỉ số VN-Index giảm 55,5 điểm, tương đương giảm 4,5%. Đây là một phiên mất điểm mạnh hiếm có trong nhiều năm qua. Theo ông, điều gì đã dẫn tới một phiên bán mạnh như vậy?
Ông Vicente Nguyen: Chốt lời là một trong những lý do chính, sau đó khá nhiều môi giới đã chốt lời lại kêu gọi khách hàng bán tháo cổ phiếu. Với tâm lý yếu kém cùng cộng hưởng trên sàn đã dẫn đến cuộc bán tháo như chiều 18/8. Về mặt cơ bản hay kinh tế thì chẳng có yếu tố gì mới cả.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu/các mã cổ phiếu nào chi phối phiên giảm mạnh này?
Với hơn 270 mã giảm sàn thì gần như nhóm nào cũng giảm mạnh như nhau. Nhưng nếu xem xét chi tiết thì có lẽ thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) bởi nhóm này trong thời gian gần đây đã hút dòng tiền đầu cơ rất lớn và tăng rất mạnh bất chấp tình hình kinh doanh ảm đạm.
- Có hiện tượng call margin xảy ra trong phiên hay không hoặc có khả năng xảy ra trong các phiên tiếp theo, thưa ông?
Thị trường chỉ mới giảm 4,5%, chưa đủ sức call margin trên phạm vi rộng được, nhưng phạm vi vài mã cổ phiếu nhất định thì có thể nếu đã giảm nhiều trước đó. Các phiên tiếp theo nếu giảm thêm 5-7% nữa thì có thể mới xảy ra call margin trên diện rộng.
- Thanh khoản trong phiên giao dịch 18/8 đạt 42.000 tỷ đồng (khoảng 1,75 tỷ USD), tăng gần gấp đôi so với mức trung bình/phiên gần đây. Đây là một con số rất lớn. Ông giải thích như thế nào về hiện tượng thanh khoản tăng đột biến như vậy?
Thị trường là vậy, có bên bán, có bên mua, khi bên bán hoảng loạn bán bằng mọi giá thì cũng có bên mua sẵn sàng mua những cổ phiếu tốt với giá rẻ. Khi đó, thanh khoản sẽ tăng nhanh.
Tôi ví dụ, trong những trường hợp bán tháo như vậy thì hầu hết bên bán tháo mạnh là NĐT cá nhân và bên mua là tổ chức, bao gồm cả trong lẫn ngoài nước. Do đó, việc thanh khoản cao cũng là bình thường.
VinFast là dấu hiệu tốt
- Việc VinFast niêm yết trên TTCK Mỹ đã mang lại một cơn gió tích cực cho nhóm cổ phiếu “họ Vin”. Tuy nhiên, cổ phiếu VinFast sau đó đang đà giảm mạnh. Ông đánh giá như thế nào về việc VFS niêm yết trên thị trường Mỹ và tác động đối với thị trường trong nước?
Việc niêm yết của VFS là một dấu hiệu rất tốt cho Tập đoàn Vingroup và cả nền tài chính cũng như kinh tế Việt Nam. Đối với Vingroup, sự kiện đó làm tăng cơ hội tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, qua đó gia tăng cơ hội huy động vốn.
Bởi VFS chọn cách niêm yết thông qua SPAC chứ không phải là một thương vụ IPO truyền thống.
Đối với nền kinh tế hay tài chính Việt Nam thì sự kiện này mang tính quảng bá rất lớn đối với Việt Nam. Nhiều NĐT sẽ biết đến Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, việc niêm yết này cũng tạo ra động lực rất lớn cho các doanh nghiệp khác của Việt Nam khi muốn niêm yết hoặc huy động vốn quốc tế.
- Ông nghĩ sao về mức giá VinFast tính tới cuối phiên 17/8 - khoảng 20 USD/cp, tương đương vốn hóa 46 tỷ USD?
Về việc đưa ra mức định giá cao hay thấp tuỳ thuộc vào cách nhìn của từng NĐT và cách mỗi người tiếp cận. Nếu chỉ dựa trên lợi nhuận và hiện trạng thì đây là mức định giá quá cao nhưng nếu dựa trên các triển vọng hay tiềm năng của VFS thì có thể nó chỉ ở mức bình thường hoặc chỉ hơi cao một chút.
Tuy nhiên, lĩnh vực xe ô tô điện (EV) là một ngành hoàn toàn mới, ngay cả trên thế giới. Số lượng công ty có lợi nhuận trong lĩnh vực này hiện chỉ trên đầu ngón tay. Do đó, VFS lỗ cũng là bình thường. Quan trọng nhất vẫn là sản phẩm phải tốt, được khách hàng tín nhiệm, ưa chuộng thì tương lai và triển vọng vẫn sáng, bởi EV dường như là xu thế của thế giới.
- Biến động giá của cổ phiếu VinFast đi xuống liệu có phải là yếu tố tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu Vingroup (giảm sàn) trong phiên 18/8 hay không?
Về mặt này mà nói, đúng là thế. Vì lên bởi gì thì xuống bởi điều đó. NĐT trong nước thường hay cho rằng, VFS định giá 85 tỷ USD, Vingroup chiếm 51% thì là hơn 42 tỷ USD. Vậy VIC cũng phải được định giá trên 42 tỷ USD chưa bao gồm Vinhomes hay Vincom Retail…
Nên khi VFS giảm, định giá của VIC cũng giảm tương ứng là điều dễ hiểu. Còn đối với góc nhìn của một quỹ đầu tư như chúng tôi thì nó không quá liên quan đến nhau. Tuy nhiên, các quỹ khác thì có thể có cách nhìn khác.
- Ông đánh giá như thế nào về thông tin “quả bom nợ” Evergrande của Trung Quốc - nhà phát triển BĐS lớn thứ 2 Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Điều này ảnh hưởng tới thị trường BĐS, tài chính Việt Nam và tâm lý NĐT như thế nào?
Đó sẽ là một cú đánh khá mạnh vào ngành BĐS của Trung Quốc, dẫn tới mất lòng tin trong dài hạn và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kiện phá sản này đã được dự báo và các tác động của nó đã xảy ra rồi nên việc tuyên bố phá sản chỉ còn là về hình thức, do đó, tác động không lớn nữa. Trong ngắn hạn, sẽ có tác động với Việt Nam nhưng không phải liên quan đến tình hình tài chính mà là kinh tế. Bởi tác động cú khủng hoảng BĐS này của Trung Quốc sẽ làm cho sức mua tại nước này giảm sút mạnh, qua đó làm cho nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam cũng giảm theo. Và đó là một tác động gián tiếp.
- Vậy triển vọng của nhóm cổ phiếu bất động sản ra sao sau thông tin từ Evergrande của Trung Quốc?
Thông tin về Evergrande của Trung Quốc có tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với BĐS của Việt Nam, chứ về bản chất không liên quan. Nhưng Thông tư 06 (của NHNN về hoạt động cho vay) sẽ tác động lớn tới rất nhiều doanh nghiệp BĐS hiện tại, bởi rất nhiều doanh nghiệp đang huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư hay hợp đồng góp vốn kinh doanh đối với các dự án không đủ điều kiện bán.
Tuy nhiên, nó lại giúp các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, pháp lý tốt, đủ điều kiện bán, gia tăng thị phần và khách hàng. Do đó, nhóm công ty BĐS vốn dĩ yếu tài chính, pháp lý kém, huy động vốn qua hình thức này sẽ dễ rơi vào tình trạng ngủ đông dài hạn. Cá nhân tôi cho rằng đó là cuộc thanh lọc cần thiết cho thị trường
Doanh nghiệp có tài chính mạnh, dự án sạch, pháp lý tốt vẫn ổn, bán được hàng và khách hàng vẫn vay được và họ sẽ vuợt qua khó khăn.
Trong khi đó, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ngủ đông hoặc phá sản. Sau đó thị trường sẽ hồi phục dần, các doanh nghiệp mạnh sẽ vượt lên. Nhưng tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra trong 2025-2026, còn 2024 vẫn còn khó khăn lắm.
"Cú sụp ngày 18/8 cơ hội hơn là rủi ro"
- Ông đánh giá như thế nào về nhóm ngành/cổ phiếu ngân hàng?
Khó khăn bởi nợ xấu sẽ gia tăng nhưng sẽ vượt qua vì ngành ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế. Chính phủ chắc chắn sẽ hỗ trợ. Đó là về tình hình kinh doanh, còn về mặt cổ phiếu thì trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất triển vọng bởi nền kinh tế chắc chắn là tăng trưởng dài hạn và mạnh mẽ.
Do đó, ngành ngân hàng chắc chắn tăng trưởng. Hiện tại, nhóm này đang được định giá cực kỳ hấp dẫn với P/E chỉ dưới 10 lần và P/B loanh quanh 1 lần. Nhưng nó sẽ chỉ dành cho NĐT tổ chức trường vốn hơn, còn NĐT cá nhân tôi cho rằng họ không đủ lòng kiên nhẫn, sẵn sàng nắm một cổ phiếu trong 3-5 năm. Họ thà cháy tài khoản chứ không muốn chờ lâu vậy.
- Lãi suất huy động đang ở mức rất thấp, theo ông, triển vọng dòng tiền vào TTCK trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Lãi suất thấp sẽ kích thích đầu tư vào TTCK. Do đó, trong môi trường này, dòng tiền sẽ tăng mạnh. Như hôm 18/8, chúng ta thấy phiên giao dịch lên đến hơn 1,5 tỷ USD. Nếu lãi suất tiếp tục thấp, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào TTCK.
Cá nhân tôi cho rằng, TTCK đang trong chu kỳ uptrend dài hạn, ít nhất 5 năm tiếp theo. Do đó, những cú sụp như 18/8 là cơ hội hơn là rủi ro. Chỉ cần bạn chọn đúng công ty, kiên nhẫn chờ đợi, bạn sẽ thắng lớn trong 5 năm tiếp theo, tôi gần như chắc chắn là thế.
- Tỷ giá USD/VND gần đây tăng mạnh, vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD, điều này tác động như thế nào tới dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) và TTCK và dự báo của ông về tỷ giá từ giờ tới cuối năm?
Nếu tỷ giá tăng quá mạnh, NĐT nước ngoài chắc chắn sẽ chần chừ trong việc giải ngân, đặc biệt là NĐT mới. Không chỉ ảnh hưởng đến NĐT gián tiếp mà cả trực tiếp (FDI). Nhưng nó cũng có một vài tác động tích cực đó là kích thích xuất khẩu tốt hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi lớn từ việc tỷ giá tăng.
Cá nhân tôi cho rằng, đồng USD vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong phần còn lại của năm, bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dường như vẫn sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa và giữ ở mốc cao.
Hiện tại, chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ giảm lãi suất sớm. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thúc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, thậm chí cả lãi suất huy động, điều này làm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trở nên lớn hơn. Chính vì vậy, xu hướng tỷ giá vẫn là tăng từ giờ đến cuối năm. Cần phải hết sức cẩn trọng với điều này.
Kinh tế đang tốt lên:
Nhận định về triển vọng kinh tế cuối năm, ông Vicente Nguyen cho rằng "sẽ tăng trưởng tốt và mạnh hơn trong nửa đầu năm", bởi thời gian khó khăn nhất đã trôi qua, lãi suất của Mỹ đã áp đỉnh, trong khi lạm phát đang dần về mức bình thường. Do đó, xuất khẩu sẽ cải thiện dần và theo đó là sản xuất công nghiệp cũng cải thiện đáng kể trong nửa cuối 2023. GDP năm nay khoảng 5-5,5% do Chính phủ tích cực gia tăng đầu tư công.
Dù vậy, theo ông, tín dụng vẫn sẽ ở mức tăng trưởng thấp vì doanh nghiệp đang ngại vay và lãi suất vay còn cao.
"Kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ tốt hơn trong nửa cuối 2023. Tuy nhiên, cũng không phải là tốt hơn nhiều vì cơ bản là đã qua khỏi thời kỳ tồi tệ nhất nhưng vẫn còn đang trong tình trạng yếu chứ không phải phục hồi mạnh mẽ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến Việt Nam, đó là xuất khẩu và đầu tư cũng tăng dần nhưng chưa thể mạnh lên được", ông Vicente Nguyen nói.
Tuy nhiên, nhận xét về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và TTCK trong vài năm tới, ông lạc quan là "sáng như trăng rằm".
Lý do bởi hàng loạt các hiệp định tốt, dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam, chủ trương cơ cấu và đa dạng hoá nguồn cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ sẽ là động lực rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Do đó, TTCK sẽ tăng tốt.
9 tháng, gần 80.000 tỷ đồng rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam
Đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam