Boeing lỗ 149 triệu USD trong quý 2/2023, do đâu?
Ngành hàng không đã phục hồi đáng kể sau đại dịch Covid-19, vậy vì sao nhà chế tạo máy bay Boeing của Mỹ vẫn báo khoản lỗ lên tới 149 triệu USD?
Chậm trễ giao hàng, phát sinh chi phí trong chương trình phát triển máy bay quốc phòng và không gian vũ trụ, Boeing ghi nhận khoản lỗ lên tới 149 triệu USD trong quý 2/2023.
Đối với hoạt động kinh doanh quốc phòng và không gian vũ trụ, theo CEO Dave Calhoun, công ty phải đối mặt với khoản phí 257 triệu USD do sự chậm trễ trong việc giao hàng tàu vũ trụ Starliner, 189 triệu USD vì chi phí sản xuất tăng lên đối với máy bay huấn luyện quân sự và 68 triệu USD liên quan đến máy bay không người lái tiếp nhiên liệu quốc phòng.
Trong khi đó, Boeing cũng gặp khó khăn liên quan tới các vấn đề về nhà máy và chuỗi cung ứng, khiến quá trình giao hàng hai loại máy bay chủ lực của hãng là 737 MAX và 787 Dreamliner bị chậm trễ liên tục trong vài năm gần đây.
Boeing giao 136 máy bay thương mại trong quý 2/2023, tăng 12,4% so với quý 2/2022. |
Mặt khác, doanh thu Boeing vẫn ghi nhận mức tăng 18%, lên 19,75 tỷ USD, vượt quá dự đoán của các nhà phân tích là 18,59 tỷ USD, chủ yếu là do sự gia tăng trong việc giao máy bay thương mại cho các hãng hàng không và bên cho thuê, hưởng lợi từ sự phục hồi sau đại dịch của ngành du lịch hàng không.
Cụ thể, Boeing đã giao 136 máy bay thương mại trong quý 2/2023, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ông Calhoun. Hãng cũng công bố kế hoạch tăng cường sản xuất hai loại máy bay chủ lực 737 Max và 787 Dreamliner.
Do đó, giá cổ phiếu của công ty đã tăng 8,7% trong phiên giao dịch ngày 26/7, đây là mức tăng trong ngày lớn nhất hơn một năm qua.
Trong khi đó, Airbus, đối thủ cạnh tranh của Boeing, báo thu nhập ròng quý 2 đạt 1,06 tỷ euro (1,17 tỷ USD), tương đương 1,34 euro/cp (1,48 USD) và doanh thu ở mức 15,9 tỷ euro (17,6 tỷ USD). Con số này thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 1,55 euro/cp và doanh thu đạt 15,85 tỷ euro, theo báo cáo của FactSet.