Boeing nhận tội gian lận trong 2 vụ tai nạn máy bay 737 Max khiến 346 người thiệt mạng
Hãng hàng không hàng đầu thế giới Boeing đã đồng ý nhận tội trước cáo buộc âm mưu gian lận liên quan đến vụ tai nạn chết người ở máy bay 737 Max. Nhưng liệu những sếp lớn của "gã khổng lồ" nước Mỹ có phải đứng trước “vành móng ngựa”?
Án phạt khổng lồ chờ Boeing sau lời nhận tội
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong hồ sơ nộp lên tòa án vào tối Chủ nhật (7/7) rằng hãng hàng không Boeing đã đồng ý nhận tội âm mưu lừa đảo các cơ quan quản lý nước này. Điều đó khiến khiến công ty phải nộp số tiền phạt lên tới 487 triệu USD (hơn 12.379 tỷ đồng) để tránh bị truy tố.
Nhưng khoản tiền phạt đó chỉ là một phần nhỏ trong số 24,8 tỷ USD mà gia đình các nạn nhân vụ tai nạn muốn nhà sản xuất máy bay có trụ sở tại Crystal City, bang Virginia, Mỹ phải chi trả. Gia đình các nạn nhân của hai vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Boeing 737 Max phản đối thỏa thuận kể trên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Boeing nhận tội gian lận hình sự liên quan đến vụ tai nạn máy bay 737 Max - Ảnh: Jennifer Buchanan/Pool/Reuters |
Thỏa thuận quy định rằng Boeing sẽ phải hoạt động dưới sự giám sát của một giám sát viên độc lập, do Chính phủ lựa chọn, trong thời hạn 3 năm. Nhưng sự giám sát đó và khoản tiền phạt không làm hài lòng gia đình nạn nhân, theo luật sư của họ cho biết.
Paul Cassell, Giáo sư luật tại Đại học Utah, người đại diện cho nhiều gia đình nạn nhân vụ tai nạn máy bay Lion Air năm 2018 và vụ tai nạn máy bay Ethiopian Air năm 2019, tuyên bố rằng: “Thỏa thuận hời này không thừa nhận rằng do âm mưu của Boeing mà 346 người đã thiệt mạng”.
"Thỏa thuận lừa đảo và hào phóng này rõ ràng không vì lợi ích công cộng", ông Cassell nói thêm. Các gia đình nạn nhân đang tìm kiếm một phiên tòa công khai về các cáo buộc.
>> Hàng không liên tục gặp sự cố: Boeing 787 gặp nhiễu động không khí, 12 người bị thương
Boeing đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn chỉ nói rằng họ có thể "xác nhận rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với Bộ Tư pháp về các điều khoản giải quyết, tùy thuộc vào... sự chấp thuận các điều khoản cụ thể".
Bản nhận tội là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng của Boeing, một công ty từng nổi tiếng về chất lượng và độ an toàn của máy bay phản lực thương mại. Ngoài các vụ tai nạn chết người của máy bay phản lực 737 Max, công ty này cũng đã phải đối mặt với một loạt các câu hỏi về độ an toàn và chất lượng của máy bay. Vào tháng 1, một tấm chặn cửa trên một chiếc máy bay 737 Max do hãng hàng không Alaska Air vận hành đã nổ tung ngay từ đầu chuyến bay, để lại một lỗ thủng lớn ở bên hông máy bay và làm tổn hại thêm đến danh tiếng của Boeing.
Lỗi thiết kế chết người che mắt các nhà quản lý
Theo cáo buộc, công ty Boeing đã lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong quá trình chứng nhận máy bay 737 Max đủ điều kiện chở những hành khách đầu tiên. Máy bay này bắt đầu hoạt động vào năm 2017, nhưng hai vụ tai nạn chết người đã khiến nó phải ngừng hoạt động trong 20 tháng. Các cuộc điều tra đã phát hiện ra một lỗi thiết kế trong hệ thống lái tự động của hãng. Boeing thừa nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn chết người và nhân viên của hãng đã che giấu thông tin về lỗi thiết kế với FAA trong quá trình chứng nhận.
Dòng máy bay thương mại Boeing 737 Max liên tiếp gây thảm họa - Ảnh: boeing.com |
Vào tháng 1 năm 2021, Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing đã đạt được thỏa thuận giải quyết các cáo buộc hình sự và hoãn mọi vụ truy tố về vấn đề này. Trong thời gian thử thách 3 năm sau đó, Boeing đã đồng ý cải thiện các vấn đề về chất lượng và tính minh bạch với Chính phủ. Nhưng vài ngày trước khi thời gian thử thách đó kết thúc lại xảy ra sự cố liên quan đến Alaska Air và mở ra “cánh cửa” cho hành động tiếp theo của Bộ Tư pháp.
Vào tháng 5, cơ quan này cho biết đang xem xét việc đưa ra cáo buộc hình sự chống lại Boeing một lần nữa do có khả năng hãng này vi phạm thỏa thuận tháng 1 năm 2021. Boeing đã lập luận trong hồ sơ tòa án của riêng mình rằng họ không vi phạm thỏa thuận và rằng họ nên được miễn truy tố. Lời nhận tội vào đêm 7/7 vừa qua, được đưa ra ngay trước thời hạn nửa đêm do Bộ Tư pháp đặt ra, đã giải quyết vấn đề đó.
Cái giá phải trả của lời thú tội là bao nhiêu?
Theo thỏa thuận ban đầu năm 2021, Boeing đã đồng ý trả 2,5 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại. Nhưng khoảng 70% số tiền đó là khoản thanh toán mà Boeing đã đồng ý trả cho các khách hàng là những hãng hàng không đối tác của mình để bồi thường cho việc ngừng bay liên quan đến việc máy bay của họ bị đình chỉ bay trong 20 tháng. 500 triệu USD khác là quỹ bồi thường cho các nạn nhân vụ tai nạn. Chỉ có 243,6 triệu USD là khoản tiền phạt hình sự của Boeing đối với Chính phủ và con số này sẽ tăng gấp đôi sau khi “gã khổng lồ hàng không Mỹ” nhận tội mới.
Boeing cũng đã đồng ý chi 455 triệu USD cho các chương trình tuân thủ và an toàn trong 3 năm tới, khi mà Chính phủ Mỹ cho biết số tiền đó sẽ tăng 75% so với số tiền mà công ty chi hàng năm cho các chương trình này.
Nhiều vấn đề khác nhau của Boeing đã gây ra tổn thất tài chính sâu sắc kể từ vụ tai nạn chết người thứ hai của máy bay 737 Max. Công ty đã công bố khoản lỗ hoạt động cốt lõi lên đến 31,9 tỷ USD kể từ khi bắt đầu án phạt ngừng hoạt động với Boeing 737 Max trong 20 tháng. Boeing cũng có nguy cơ không được xếp hạng tín dụng đầu tư lần đầu tiên trong lịch sử.
Boeing hiện có gần 47 tỷ USD nợ dài hạn và nếu xếp hạng nợ của công ty bị hạ xuống mức trái phiếu rác, chi phí vay tiền của công ty sẽ tăng vọt.
Nhưng khoản tiền phạt bổ sung lên tới hàng trăm triệu USD, thay vì hàng tỷ USD, vẫn nằm trong khả năng chi trả của công ty, bất chấp khó khăn về tài chính.
Không có Giám đốc điều hành nào phải đối mặt với cáo buộc
Theo hãng tin CNN, thỏa thuận không yêu cầu truy tố bất kỳ Giám đốc điều hành nào trong hiện tại hoặc trước đây của Boeing hay các nhân viên khác của hãng này vì vai trò của họ trong quá trình chứng nhận. Công ty cũng tránh được một hình phạt nghiêm trọng khác – mất quyền kinh doanh với Chính phủ.
CNN đánh giá hình phạt như vậy nếu xảy ra sẽ là “án tử hình” cho Boeing. Khoảng 37% doanh thu của hãng sản xuất máy bay này vào năm 2023 đến từ các hợp đồng Liên bang.
Theo Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành tại AeroDynamic Advisory, một công ty tư vấn quản lý quốc phòng và hàng không vũ trụ, khả năng xảy ra hình phạt như vậy là rất nhỏ vì cả Boeing và Chính phủ Liên bang đều phụ thuộc rất nhiều vào nhau.
Bất chấp những khó khăn trong 5 năm qua, Boeing vẫn là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ. Công ty vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này và có gần 150.000 nhân viên trong nước. Boeing ước tính tác động kinh tế của mình là 79 tỷ USD, họ cũng hỗ trợ 1,6 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại hơn 9.900 nhà cung cấp trải rộng trên tất cả 50 tiểu bang.
Đáng chú ý, đối thủ đáng kể duy nhất của Boeing trong lĩnh vực máy bay thương mại là hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu, hiện đang tồn đọng hơn 8.000 đơn đặt hàng máy bay phản lực, nghĩa là bất kỳ khách hàng nào của Boeing đặt hàng máy bay Airbus vào hôm nay sẽ phải đợi gần một thập kỷ mới được giao hàng.
Theo CNN/Yahoo! Financial
Sự cố buộc hạ cánh khẩn cấp máy bay Boeing 787-9, trần bị xé toạc, 'hất' khách lên khoang hành lý
Máy bay Boeing rơi 1.200m/phút, chỉ cách mặt biển 122m do lỗi nghiêm trọng của phi công