Gánh nặng lớn nhất của BOT Cầu Thái Hà là chi phí lãi vay.
CTCP BOT Cầu Thái Hà (mã chứng khoán BOT) công bố báo cáo tài chính quý 3 và kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022.
Tính riêng quý 3 doanh thu thuần đạt gần 9 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính vẫn duy trì quanh mức hơn 26 tỷ đồng – chủ yếu là chi trả lãi vay.
Trừ các chi phí khác BOT Cầu Thái Hà còn lỗ 11,5 tỷ đồng, giảm được một nửa so với số lỗ gần 24 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2021.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022 BOT Cầu Thái Hà đạt 36 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ luỹ kế hơn 52 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với số lỗ hơn 74 tỷ đồng luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021. Tổng lỗ luỹ kế đến 30/9/2022 của BOT Cầu Thái Hà là 326 tỷ đồng.
Nhắc đến BOT Cầu Thái Hà và khoản lỗ, nhà đầu tư đã quá quen thuộc do đặc thù của doanh nghiệp. BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Công ty thành lập năm 2014. Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng, thử nghiệm thu phí từ tháng 5/2018 và chính thức thu phí từ ngày 10/2/2019.
Đưa vào hoạt động, gánh nặng lớn nhất của BOT Cầu Thái Hà là vay nợ tài chính – nguyên nhân khiến công ty vẫn thua lỗ từ khi đi vào hoạt động. Ghi nhận đến 30/9/2022 BOT Cầu Thái Hà vẫn còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 47 tỷ đồng (giảm 28 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn duy trì ở mức 958 tỷ đồng.
‘Đầu tư 1 nơi thu phí một nơi’, 2 dự án BOT chưa thu được phí