Vĩ mô

Bù lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng của EVN vào giá điện: Giá điện có tăng sốc?

Lương Bằng 30/08/2023 - 14:39

Điểm đáng chú ý trong dự thảo quyết định mới do Bộ Công Thương xây dựng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân là giá bán lẻ điện được phép tính thêm khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện.

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ xây dựng quyết định mới thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Việc xây dựng dự thảo quyết định nhằm mục đích xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ; đồng thời, sửa đổi công thức tính giá bán lẻ điện bình quân có yếu tố gắn với giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện, bổ sung các quy định về hồ sơ phương án giá điện theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo quyết định mới nhằm sửa đổi, bổ sung các định nghĩa và hiệu chỉnh công thức tính giá điện để phản ánh việc mua bán điện trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh có nhiều người mua, nhiều người bán; bổ sung vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Giá điện sẽ phản ánh sát các chi phí thực tế hơn.

Chu kỳ điều chỉnh giá điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ TTg là 6 tháng. Dự thảo quyết định nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân để điều chỉnh giá điện theo lộ trình: So sánh kết quả tính toán giá bán điện bình quân ở các thời điểm đã quy định (hằng năm, hằng quý) so với giá bán điện bình quân hiện hành để xem xét việc điều chỉnh; Tính toán cập nhật giá điện hằng quý theo chi phí phát điện và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện; Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng.

"Giá điện được điều chỉnh theo lộ trình từng bước phù hợp, tránh giật cục, tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ", Bộ Công Thương phân tích.

Việc so sánh kết quả tính toán giá điện tại thời điểm tính toán so với giá điện hiện hành để xem xét điều chỉnh, thay vì so sánh thông số đầu vào là công cụ để thực hiện được việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình hiệu quả, phản ánh kịp thời chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các thời điểm được tính toán.

Với việc cho phép tính toán cập nhật các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện hằng quý trong bối cảnh giá nhiên liệu có xu hướng tăng cao so với giai đoạn trước 2022 sẽ tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp thu hồi được chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ trong thời gian ngắn hơn so với phương án như hiện hành.

Đối với người dân, Bộ Công Thương cho rằng việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình sẽ giảm bớt và giúp dàn đều tác động của việc điều chỉnh giá điện đến sinh hoạt, tránh những thay đổi và xáo trộn lớn gây dư luận không tốt.

Điểm đáng chú ý khác của dự thảo lần này là việc sửa đổi phương pháp lập giá bán điện bình quân, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân gắn với thực tế sản xuất kinh doanh điện.

Theo đó, công thức tính giá bán lẻ điện cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm chênh lệch tỷ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Dẫn trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ 26.000 tỷ năm 2022, Bộ Công Thương phân tích: Với việc kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong khi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch.

Điều này gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.

"Căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện", Bộ Công Thương lập luận.

EVN vẫn còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán hết. Mức lỗ 26.000 tỷ của EVN năm 2022 còn chưa tính các khoản chênh lệch tỷ giá.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số

19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước báo lợi nhuận vượt 111.000 tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bu-lo-hang-chuc-nghin-ty-dong-cua-evn-vao-gia-dien-gia-dien-co-tang-soc-2183563.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bù lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng của EVN vào giá điện: Giá điện có tăng sốc?
    POWERED BY ONECMS & INTECH