Bức tranh lợi nhuận sau soát xét: Nhiều doanh nghiệp "đảo chiều" tăng/giảm mạnh

24-08-2022 20:37|Hồ Nga

Có những doanh nghiệp "hân hoan" điều chỉnh tăng, cũng nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi điều chỉnh giảm sâu lợi nhuận có khi chỉ vì nhập nhằng hàng tồn kho.

Sau soát xét BCTC bán niên năm 2022, rất nhiều doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận đảo chiều, trong đó không ít doanh nghiệp từ chỗ đang có lãi BCTC tự lập thành lỗ lớn sau soát xét. Cũng không ít doanh nghiệp điều chỉnh giảm lợi nhuận sau soát xét. Bên cạnh đó lại có những doanh nghiệp hân hoan điều chỉnh tăng lợi nhuận sau soát xét.

Doanh nghiệp điều chỉnh giảm sâu về lợi nhuận

Mới đây nhất CTCP VKC Holdings (mã chứng khoán VKC) công bố BCTC soát xét bán niên năm 2022 với rất nhiều điều chỉnh so với số liệu trên BCTC tự lập quý 2/2022. Những con số điều chỉnh đến từ doanh thu, giá vốn, doanh thu tài chính đến chi phí tài chính, chi phí bán hàng – dù những tiểu mục này điều chỉnh không nhiều. Những điều chỉnh lớn tập trung ở chi phí quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận khác. VKC Holdings được các nhà đầu tư biết đến hơn với tên gọi trước đó là Cáp nhựa Vĩnh Khánh.

Số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2022 ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 13,8 tỷ đồng theo BCTC quý 2/2022 lên thành 82,5 tỷ đồng sau soát xét, tương ứng điều chỉnh tăng gần 69 tỷ đồng về chi phí. Số điều chỉnh tăng này chủ yếu do công ty phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (hơn 65 tỷ đồng).

Ngoài ra chỉ tiêu chi phí khác điều chỉnh tăng từ dưới 1 tỷ đồng trên BCTC quý 2/2022 lên 102,8 tỷ đồng – tương ứng tăng hơn 102 tỷ đồng – mà nguyên nhân chính do công ty phải ghi nhận giá trị khoản tồn kho thiếu không xác định. Chính 2 mục này khiến cho VKC Holdings phải điều chỉnh giảm 166 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, khiến cho công ty từ việc ghi lỗ hơn 24,6 tỷ đồng trên BCTC tự lập xuống thành lỗ hơn 191 tỷ đồng. 

screen-shot-2022-08-24-at-14.35.30.png

Những doanh nghiệp đảo chiều từ lãi sang lỗ

Câu chuyện của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã chứng khoán SHS) cũng là một ví dụ về việc đảo chiều sau soát xét, từ lãi hơn 27 tỷ đồng theo số liệu công ty tự lập trên BCTC quý 2/2022 trước đó xuống thành lỗ hơn 68 tỷ đồng, tương ứng điều chỉnh giảm lãi hơn 95 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc đảo chiều này bắt đầu tư việc hoạt động tự doanh của công ty thua lỗ nặng. BCTC soát xét bán niên ghi nhận khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ là hơn 360 tỷ đồng (tăng 320 tỷ đồng so với cùng kỳ). Trong khi đó số liệu trên BCTC quý 2/2022 công ty tự lập ghi nhận lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ chỉ hơn 29 tỷ đồng – tương ứng điều chỉnh tăng lỗ thêm hơn 330 tỷ đồng.

BCTC soát xét bán niên cũng liệt kê danh sách chứng khoán mà công ty đang đầu tư, trong đó gồm có TCB, PET, GEX, PMC và các cổ phiếu khác. Danh mục cổ phiếu giao dịch trên Upcom mà Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đầu tư gồm SIP, ACG, KTL và các cổ phiếu khác... Riêng giá trị đầu tư vào cổ phiếu niêm yết đã 1.254 tỷ đồng theo giá mua, và giá thị trường khoản này còn 1.138 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ hơn 116 tỷ đồng. Tỷ trọng đầu tư của Chứng khoán SHS tập trung chủ yếu vào TCB và GEX – đây cũng là 2 cổ phiếu “tạm lỗ” nhiều nhất mà công ty đang ôm, với số lỗ lần lượt 69 và 87 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh giảm về lợi nhuận dẫn đến lỗ sau soát xét do trước đó Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội “để” một phần giá trị khoản đầu tư vào 2 cổ phiếu TCB và GEX ở danh mục tài sản sẵn sàng để bán AFS và phần còn lại vào dòng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL.

screen-shot-2022-08-24-at-16.02.42.png

CTCP Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật hàng hải (MAC) đã điều chỉnh từ số lãi tự lập gần 130 triệu đồng thành lỗ hơn 4,4 tỷ đồng sau soát xét. Nhà Đà Nẵng (NDN) điều chỉnh số lỗ 6 tháng đầu năm 2022 từ 90,8 tỷ đồng trước soát xét lên thành số lỗ hơn 95 tỷ đồng say soát xét.

Những doanh nghiệp điều chỉnh tăng lợi nhuận sau soát xét

Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp điều chỉnh tăng lợi nhuận sau soát xét. Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) công bố BCTC soát xét bán niên 2022 với chỉ tiêu về doanh thu không có thay đổi, đạt 87.174 tỷ đồng. Tuy vậy chỉ tiêu về giá vốn được điều chỉnh giảm từ 73.876 tỷ đồng theo số liệu BCTC quý 2/2022 tự lập xuống còn 73.665 tỷ đồng – tương ứng điều chỉnh giảm 211 tỷ đồng sau soát xét. Việc điều chỉnh giảm giá vốn khiến cho lợi nhuận gộp được điều chỉnh tăng theo con số tương ứng, từ 13.297 tỷ đồng lên 13.509 tỷ đồng. Ngoài ra doanh thu tài chính đã điều chỉnh tăng từ 648 tỷ đồng trên BCTC tự lập lên 670 tỷ đồng, tương ứng tăng 22 tỷ đồng.

Những điều chỉnh này dẫn tới những thay đổi về số thuế TNDN hiện hành phải nộp. Kết qủa cuối cùng, sau soát xét Lọc Hoá dầu Bình Sơn ghi nhận lãi sau thuế 12.444 tỷ đồng, tăng được 194 tỷ đồng so với số lãi 12.250 tỷ đồng ghi nhận trên BCTC công ty tự lập trước đó.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh tăng gần 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đã giúp Lọc Hoá dầu Bình Sơn vươn lên vị trí thứ 2 về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn, xếp ngay sau Vietcombank. Trước đó Lọc Hoá Dầu Bình Sơn đứng vị trí thứ 4, sau VPBank và Hoà Phát.

screen-shot-2022-08-24-at-14.56.58.png

Licogi 14 (mã chứng khoán L14) lại có cách “hô biến” khoản lỗ từ 234 tỷ đồng trước soát xét xuống còn lỗ gần 24 tỷ đồng sau soát xét theo cách khá bất ngờ. Nhìn lại BCTC 6 tháng đầu năm 2022 của Licogi 14, nhà đầu tư nhận thấy chỉ tiêu “dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” đã điều chỉnh giảm từ 375 tỷ đồng theo số liệu trên BCTC quý 2/2022 do công ty tự lập về mức gần 63 tỷ đồng, tương ứng điều chỉnh giảm khoảng 312 tỷ đồng sau soát xét.

Cùng với đó chỉ tiêu doanh thu tài chính trên BCTC soát xét bán niên ghi nhận điều chỉnh tăng từ 10 tỷ đồng theo số liệu công ty tự lập, lên 155 tỷ đồng sau soát xét, tương ứng điều chỉnh tăng 146 tỷ đồng – mà khoản thu tài chính chênh lệch này do Licogi 14 ghi nhận lãi từ đầu tư cổ phiếu trong quý 1/2022.

Giải trình cho những biến động này, Licogi 14 cho biết trong quý 2/2022 công ty con - CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 – đã phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV, làm giảm tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 lại Đầu tư tài chính Licogi 14 giảm từ 51% xuống còn 48,57% - biến công ty con này trở thành công ty liên kết và không hợp nhất kết quả trên BCTC bán niên 2022.

Những “hệ luỵ” mà nhà đầu tư đang chịu

Ngay sau khi Licogi 14 hay Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội công bố BCTC soát xét bán niên, ngoài những “bất ngờ” về số liệu mà nhà đầu tư nhận thấy, còn có những tác động lớn khác. Ví dụ như việc HNX cắt margin của các cổ phiếu L14, SHS… đã khiến hàng nghìn cổ đông “khóc ròng”.

Hơn nữa, không chỉ bị "siết" margin, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng lao dốc theo các tin tiêu cực. Cổ phiếu SHS đã có lúc “lao” nhanh, xuống dưới mệnh giá trước khi hồi phục về vùng giá 14.100 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

screen-shot-2022-08-24-at-15.50.01.png

L14 của Licogi 14 thì "thảm" hơn. Từng "phi" rất nhanh, chiếm ngôi đầu bảng của cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán lên xấp xỉ vùng giá 400.000 đồng/cổ phiếu, nhưng L14 cũng "lao" nhanh, thậm chí mất luôn ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu trước khi hồi phục trở lại về vùng giá 114.400 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

screen-shot-2022-08-24-at-16.09.48.png

Vietnam Rubber Group (GVR) mang 14.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, lãi quý I/2024 đạt 650 tỷ đồng

Đạm Phú Mỹ (DPM) mang 6.400 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, LNST quý I/2024 đạt 268 tỷ đồng

Thành viên nhà DIC Corp (DIG) báo lãi quý I gấp 9 lần

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buc-tranh-loi-nhuan-sau-soat-xet-nhieu-doanh-nghiep-dao-chieu-tanggiam-manh-145735.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bức tranh lợi nhuận sau soát xét: Nhiều doanh nghiệp "đảo chiều" tăng/giảm mạnh
POWERED BY ONECMS & INTECH