Bức tranh ngành gỗ dần sáng màu

04-01-2022 17:32|Mai Linh

Trên 80% lao động đã quay lại sản xuất; tình trạng đứt gãy các chuỗi cung nguyên liệu, vật tư ngành gỗ trong nước dần được khắc phục…

Trên 80% lao động đã quay lại sản xuất; tình trạng đứt gãy các chuỗi cung nguyên liệu, vật tư trong nước dần được khắc phục… Những yếu tố trên cho thấy, bức tranh ngành gỗ đang sáng dần.

Xuất khẩu vượt kế hoạch

Trong năm 2021, đã từng có nhiều thời điểm khi dịch bệnh bùng phát, các cơ sở sản xuất phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê, chậm trễ trong giao hàng cho đối tác. Kim ngạch xuất khẩu lao dốc, các mục tiêu phát triển của ngành mà Chính phủ đề ra có nguy cơ không hoàn thành.

Nhưng đến thời điểm này, có thể nói, bức tranh của ngành gỗ đang sáng dần. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ tháng 11 tăng tới 34% so với tháng 10. Trên 80% lao động của ngành hiện đã quay lại làm việc. Tình trạng đứt gãy các chuỗi cung nguyên liệu, vật tư trong nước đã khắc phục được phần nào. Với sự phục hồi như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt trên 15 tỷ USD, vượt tương đối xa so với mục tiêu đề ra 14 - 14,5 tỷ USD.

Có được sự chuyển đổi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm là nhờ sự thay đổi của Chính phủ khi chuyển sang trạng thái bình thường mới và nỗ lực không mệt mỏi của từng doanh nghiệp trong việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc Chính phủ Mỹ kết thúc điều tra về ngành gỗ của Việt Nam mà không có bất cứ một mức thuế nào được áp lên các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.

Dự báo khả quan

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022, toàn ngành phấn đấu đưa trị giá xuất khẩu gỗ đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7% so với năm 2021.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam hiện đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình các FTA song phương và đa phương, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia FTA được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục là thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới. Ngoài ra, các thị trường chính của gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đáng chú ý, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp…

Dưới góc độ hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- nhận định, với sự thay đổi thích ứng của các doanh nghiệp, năm 2022, dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành gỗ tăng trưởng ít nhất từ 15 – 20% với kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt trên 17 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Bên cạnh đó, cần thay đổi phương thức sản xuất, giao hàng, đóng gói hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics. Chuyển đổi nguyên liệu từ nhập khẩu sang nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước…

Chính phủ cần có các cơ chế và chính sách đột phá, giúp ngành gỗ duy trì hoạt động, tăng trưởng và chuyển đổi để phù hợp với điều kiện bình thường mới.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Gỗ Trường Thành (TTF) báo lãi trở lại trong quý I, lỗ lũy kế còn hơn 3.200 tỷ đồng

Lý do hàng trăm công ty ngành gỗ đối diện nguy cơ đóng cửa nhà máy, lao động mất việc làm

Tài chính carbon và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buc-tranh-nganh-go-dan-sang-mau-130852.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bức tranh ngành gỗ dần sáng màu
POWERED BY ONECMS & INTECH