Fed đã cho các ngân hàng Mỹ vay 152,85 tỷ USD qua công cụ cửa sổ chiết khấu trong tuần kết thúc vào 15/3 - đây là mức cao nhất mọi thời đại, vượt qua cả con số 111 tỷ USD trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008.
Trang tin Bloomberg cho biết, dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy 152,85 tỷ USD đã được vay qua công cụ cửa sổ chiết khấu (discount window – một công cụ hỗ trợ truyền thống của Fed dành cho các ngân hàng nhằm giải quốc các nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn) trong tuần kết thúc vào ngày 15/03.
Khoản vay qua cửa sổ chiết khấu của Mỹ đạt mức kỷ lục trong tuần kết thúc vào 15/3. |
Đây là mức kỷ lục, cao hơn rất nhiều so với mức 4,58 tỷ USD trong tuần trước. Mức kỷ lục được xác lập trước đó là 111 tỷ USD trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008.
Dữ liệu cũng cho thấy 11,9 tỷ USD đã được vay từ chương trình cho vay khẩn cấp BTFP của Fed, chương trình vừa được lập ra trong ngày 12/03.
Theo đánh giá, việc các ngân hàng gấp rút vay từ hai công cụ hỗ trợ cho thấy hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn còn mong manh và phải đối mặt với tình trạng rút tiền gửi sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Ngoài ra các khoản vay từ Fed, các khoản cho vay khác cũng đã lên tới 142,8 tỷ USD trong tuần qua, trong đó chủ yếu là vay từ Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) để tạo cầu nối giữa các ngân hàng với Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Capital Economics đánh giá, với việc phải cấp vốn khẩn cấp, quá trình thu hẹp của Fed đã bị đảo ngược. Bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng lên thêm 440 tỷ USD trong 1 tuần, “về cơ bản đã đảo ngược toàn bộ nỗ lực thắt chặt định lượng của Fed”.
Michael Gapen, trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Bank of America Securities cho biết: “Điều này khớp với dự báo của chúng tôi”, lãi suất của công cụ cửa sổ chiết khấu cao hơn chương trình cho vay mới BTFP có thể là do công cụ cửa sổ chiết khấu chấp nhận nhiều loại tài sản thế chấp hơn.