Bên cạnh việc đem lại nguồn lợi nhuận "khủng", các công ty chứng khoán còn là cầu nối giúp ngân hàng tham gia kênh trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh các quy định pháp luật đang dần thắt chặt vấn đề này.
Ngân hàng mạnh tay “sắm” công ty chứng khoán
Việc ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán không phải điều xa lạ với nhà đầu tư. Hiện có nhiều cái tên gắn liền với thương hiệu ngân hàng như Chứng khoán VietinBank (CTS), Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS)…
Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã mua lại Chứng khoán ACSC và đổi tên thành Chứng khoán VPBank. Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng được đồn đoán sẽ tiếp quản Chứng khoán Globalmind Capital.
Cùng với đó, Chứng khoán Việt Nam Gate Way trong năm 2021 đã đổi tên thành Chứng khoán KS Securities và gia nhập cùng hệ sinh thái với Ngân hàng Kiên Long.
Bên cạnh mua lại, các ngân hàng còn đua nhau “bắt tay” với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để gia tăng thêm các sản phẩm bán chéo.
Cụ thể, trong tháng 2/2022, CTCP Chứng khoán SSI cũng phát đi thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 440 triệu USD với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hà Nội.
Đây là hợp đồng hạn mức tín dụng có giá trị lớn nhất của SSI đến thời điểm hiện tại với một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, hứa hẹn mở ra hướng hợp tác toàn diện hơn trong tương lai giữa hai định chế tài chính hàng đầu trong nước.
Những toan tính?
Việc mua lại các công ty chứng khoán được xem là một bước để các ngân hàng tiến vào lĩnh vực chứng khoán.
Có thể thấy, trong năm 2021, dòng tiền đổ cuồn cuộn vào thị trường với lượng tài khoản mở mới liên tiếp đổ xô kỷ lục cũ đã giúp các công ty chứng khoán có năm bội thu. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), năm 2021, 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất báo lãi sau thuế tổng cộng 14.294 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ 2020.
Các công ty chứng khoán có sự “hậu thuẫn” của ngân hàng như VCBC, MBS,… đều lãi lớn trong năm 2021. Đáng chú ý, tại TCBS, công ty chứng khoán này đạt lợi nhuận ròng 3.049 tỷ đồng với mức tăng trưởng 42%, bỏ xa các đối thủ đứng phía sau là SSI hay VNDirect. Như vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể thu về nguồn lãi “khủng” từ các công ty chứng khoán.
Bên cạnh nguồn thu từ môi giới, các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cho vay margin… cũng có thể đem lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán còn giúp ngân hàng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu. Do không có nghiệp vụ này nên việc bổ sung công ty chứng khoán vào hệ sinh thái của mình sẽ giúp ngân hàng sẽ giảm được chi phí phải chi cho nghiệp vụ bảo lãnh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngân hàng có thể còn đang muốn thông qua công ty chứng khoán để tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể là nhắm vào kênh tín dụng bất động sản.
Theo đó, vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý, Thông tư 16 quy định, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc để tăng vốn.
Như vậy, các ngân hàng có thể thông qua công ty chứng khoán để tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng cách rót vốn cho công ty chứng khoán mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý III/2021 của SSI, nhóm bất động sản chiếm 45,6% tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2021. Bên mua sơ cấp lớn nhất chính lượng trái phiếu này là các công ty chứng khoán(32,6%, tương đương 148.800 tỷ đồng) và ngân hàng (27,3%, 124.400 tỷ đồng).
Tập đoàn có doanh thu 34 tỷ USD sắp thoái vốn khủng tại PVI
Thêm một công ty chứng khoán bước vào cuộc đua tăng vốn cuối năm