Thế giới

Các Ngân hàng Trung ương châu Á sẽ ra quyết định mới về lãi suất như thế nào sau động thái mạnh tay của Fed?

Đào Doãn 23/09/2024 - 10:49

“Các Ngân hàng Trung ương châu Á có dư địa để cắt giảm lãi suất, nhưng họ không cần phải cắt giảm. Họ sẽ theo dõi cách Fed hành động và sự biến động từ bên ngoài”, Qian Wang, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard nhận định.

Đầu năm nay, hầu hết các quốc gia châu Á đều mong muốn giảm lãi suất để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Nhưng các Ngân hàng Trung ương châu Á rất khó để hạ lãi suất trước Mỹ - nơi lãi suất vốn đang ở mức cao nhất trong 23 năm (phạm vi lãi suất trong khoảng 5,25%-5,5%).

Hàng loạt Ngân hàng Trung ương châu Á sẽ ra quyết định mới về lãi suất như thế nào sau động thái mạnh tay của Fed? - ảnh 1
Fed vừa hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống phạm vi 4,75%-5%

Tuy nhiên mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống phạm vi 4,75%-5%, nhằm mục tiêu đưa kinh tế Mỹ hạ cánh nhẹ nhàng.

Hàng loạt Ngân hàng Trung ương châu Á sẽ ra quyết định mới về lãi suất như thế nào sau động thái mạnh tay của Fed? - ảnh 2
Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm tại cuộc họp tháng 9/2024

Việc nới lỏng này giúp các Ngân hàng Trung ương châu Á có cơ hội để hành động. Tuy nhiên, hiện tại, họ không vội vàng cắt giảm lãi suất nữa - điều này không giống như hồi đầu năm, theo nhận định của các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích ngoại hối được Nikkei Asia trích dẫn.

"Các Ngân hàng Trung ương châu Á có dư địa để cắt giảm lãi suất, nhưng họ không cần phải cắt giảm. Họ sẽ theo dõi cách Fed hành động và sự biến động từ bên ngoài. Họ sẽ muốn thay đổi chính sách với tốc độ từ từ hơn", Qian Wang, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard nhận định.

Các yếu tố bên ngoài có thể gây ra tác động bao gồm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, Adarsh Sinha, đồng Giám đốc chiến lược tiền tệ và tỷ giá châu Á tại Bank of America Global Research ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết ông dự kiến hầu hết các Ngân hàng Trung ương ASEAN sẽ bước vào "chu kỳ cắt giảm khá từ từ".

Hàng loạt Ngân hàng Trung ương châu Á sẽ ra quyết định mới về lãi suất như thế nào sau động thái mạnh tay của Fed? - ảnh 3
Lãi suất hiện tại của các Ngân hàng Trung ương (%)

Tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm tới, thậm chí có khả năng vượt trội hơn. Ông nhận định: "Chỉ xét về triển vọng tăng trưởng, chúng tôi khá lạc quan”.

"Chúng tôi dự đoán lãi suất sẽ không hạ quá 25 điểm cơ bản mỗi quý, nó diễn ra từ từ hơn so với những gì chúng tôi dự báo cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”, ông nói. Nhóm của ông cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuối năm nay và thêm 125 điểm cơ bản vào năm tới.

Ông Sinha cho biết thêm là Malaysia là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN. Ông hy vọng Ngân hàng Trung ương nước này sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 3% cho đến năm sau, với lý do lạm phát và tăng trưởng kinh tế ổn định. "Không có lý do gì để họ phải bắt đầu cắt giảm lãi suất", ông cho biết.

Đồng tiền Malaysia được giao dịch ở mức 4,1803 ringgit đổi 1 USD vào thứ 6, tăng 13% so với mức thấp nhất trong 26 năm vào tháng 2.

"Sự phục hồi gần đây của đồng ringgit được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong kỳ vọng về lãi suất thấp hơn ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, cũng như hiệu suất kinh tế mạnh mẽ của Malaysia", NHTW nước này công bố sau cuộc họp vào ngày 5/9.

Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC ở Hồng Kông, cho biết Ấn Độ là một quốc gia châu Á khác mà "việc cắt giảm lãi suất của Fed có ích nhưng ít bị ảnh hưởng bởi Fed hơn”.

Các nhà kinh tế của HSBC dự kiến Ngân hàng Tung ương Ấn Độ sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% vào tháng tới, nhưng giá thực phẩm và dầu giảm có thể dẫn đến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 12, theo một báo cáo được công bố vào ngày 12/9.

Chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ trong tháng 8 tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến là 3,7% so với cùng kỳ năm trước, với giá lương thực đặc biệt cao. Báo cáo nói rằng nhiệt độ giảm và lượng mưa dồi dào sẽ làm giảm giá trái cây, bắt đầu từ tháng 10 và tháng 11.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), các nhà hoạch định chính sách đã giữ nguyên lãi suất ở mức 2% vào thứ 5 do lạm phát tăng cao và thị trường bất động sản nóng lên.

Do tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc đối với khu vực, Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) là tâm điểm chú ý của các nhà quan sát thị trường châu Á.

Vào thứ 6, PBOC đã đi ngược lại kỳ vọng bằng cách giữ nguyên lãi suất. Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm giữ nguyên ở mức 3,35% và lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng vẫn ở mức 3,85%.

Tuy nhiên vào tháng 7, ngân hàng này đã thông báo hạ lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,8% xuống 1,7% nhằm thúc đẩy nền kinh tế trì trệ.

“Tôi muốn nói rằng họ cần phải cắt giảm lãi suất", Wang của Vanguard cho biết. Hầu hết các chỉ số kinh tế "đều cho thấy sự sụt giảm tháng này qua tháng khác, vì vậy tôi nghĩ điều này chỉ ra rằng áp lực giảm phát đang thực sự dai dẳng và thậm chí đã gia tăng”, bà Wang nói thêm.

Vào tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự kiến. Bà Wang nói chỉ có giá thực phẩm tăng, trong khi chi phí hàng hóa và dịch vụ không phải thực phẩm và lạm phát lõi đều giảm, cho thấy nền kinh tế đang yếu.

Trong một thừa nhận hiếm hoi về khó khăn kinh tế của đất nước, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Yi Gang cũng cho biết Trung Quốc phải hành động nhanh chóng để chống lại áp lực giảm phát bằng cách thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Hàn Quốc cũng đang nóng lòng muốn bắt đầu hạ lãi suất, theo các nhà kinh tế học. Tuy nhiên, nước này dự kiến sẽ tuân theo chu kỳ cắt giảm dần dần do nợ hộ gia đình ngày càng xấu đi. Các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc lo ngại rằng lãi suất thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thị trường bất động sản quá nóng và tăng thêm gánh nặng nợ hộ gia đình, khi giá nhà ở Seoul và các khu vực lân cận tiếp tục tăng cao.

Hàn Quốc có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng tới, theo một báo cáo công bố ngày 6/9 của Aichi Amemiya và nhóm của ông. Lãi suất chuẩn của nước này là 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, "giữa bối cảnh Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tập trung vào ổn định tài chính, chúng tôi dự đoán chỉ có ba đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản cho đến cuối năm 2025," họ viết.

Vào tháng 8, Ngân hàng Trung ương Philippines cũng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 6,25% - đánh dấu lần giảm đầu tiên sau bốn năm.

Theo Nikkei Asia

>> Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng ra sao sau mỗi lần Fed hạ lãi suất trong 5 thập kỷ qua?

Giá vàng thế giới giảm mạnh, rời xa mốc quan trọng 2.700 USD/ounce

'Nữ hoàng phố Wall' có 2,6 triệu người theo dõi trên TikTok, được Nhà Trắng mời bình luận chính sách mới

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hang-loat-ngan-hang-trung-uong-chau-a-se-ra-quyet-dinh-moi-ve-lai-suat-nhu-the-nao-sau-dong-thai-manh-tay-cua-fed-127205.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các Ngân hàng Trung ương châu Á sẽ ra quyết định mới về lãi suất như thế nào sau động thái mạnh tay của Fed?
    POWERED BY ONECMS & INTECH