Các ngân hàng trung ương đang nỗ lực đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ.
Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đối với kim loại quý này đã vượt xa so với số lượng mua vào hàng năm trong suốt 55 năm qua.
Các ước tính của tháng trước cũng chỉ ra con số lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố chính thức từ các NHTW. Điều này càng làm dấy lên những suy đoán về danh tính của người mua và mục đích của họ.
Adrian Ash - trưởng bộ phận nghiên cứu tại BullionVault, một công ty giao dịch vàng, cho biết việc các NHTW "gom" vàng có thể là do bối cảnh địa chính trị trở nên bất ổn, không chắc chắn sau khi Mỹ và các đồng minh đóng băng khoản dự trữ USD của Nga.
Lần gần đây nhất thị trường vàng chứng kiến khối lượng mua lớn đến vậy đã đánh dấu một bước ngoặt mang tính lịch sử với hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Năm 1967, các NHTW ở châu Âu đã mua một lượng lớn vàng từ Mỹ, từ đó đẩy giá tăng vọt và khiến Kho Dự trữ Vàng London sụp đổ. Năm 1971, Hệ thống Bretton Woods cũng đổ vỡ.
Các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ cho biết đã mua lần lượt 31,2 tấn, 26,1 tấn và 17,5 tấn vàng, tổng cộng khoảng 90 tấn. Đến nay, vẫn chưa rõ những ngân hàng trung ương nào đang nắm giữ 300 tấn vàng còn lại.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc là khách hàng lớn. Bởi nước này muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Khối lượng vàng mua ròng của các NHTW theo quý (tấn). |
Tháng trước, WCG ước tính các định chế tài chính chính thức của thế giới đã mua 673 tấn vàng. Chỉ riêng trong quý III, các NHTW mua gần 400 tấn vàng, khối lượng mua ròng lớn nhất trong 3 tháng kể từ mức kỷ lục theo quý ghi nhận vào năm 2000.
Trước đó, ước tính của WGC còn vượt xa báo cáo của IMF và các NHTW, ở mức 333 tấn trong 9 tháng tính đến tháng 9. Còn theo số liệu chính thức, lượng mua trong quý 3 được dẫn đầu bởi Thổ Nhĩ Kỳ với 31 tấn vàng, theo đó kim loại quý này chiếm tỷ trọng khoảng 29% trong tổng lượng dự trữ của nước này. Sau đó là Uzbekistan với 26 tấn, còn hồi tháng 7 Qatar mua số vàng lớn nhất theo tháng kể từ năm 1967.
Sự khác biệt giữa ước tính của WGC và số liệu được IMF công bố chính thức có thể là do một số NHTW khác như Nga, Trung Quốc và các nước khác đã mua và nắm giữ vàng mà không báo cáo bổ sung vào kho dự trữ.
Đầu tháng này, PBOC cho biết ngân hàng này đã tăng lượng nắm giữ vàng lần đầu tiên kể từ năm 2019 vào tháng 11, mua thêm 32 tấn vàng trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành vàng cho biết Trung Quốc có thể đã mua lượng vàng lớn hơn.
Biến động giá vàng trong vòng 1 năm qua |
Mark Bristow, CEO của Barrick Gold, công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới, cho biết Trung Quốc đã mua khoảng 200 tấn vàng theo cuộc thảo luận của ông với nhiều nguồn tin khác nhau.
Nicky Shiels - chiến lược gia về kim loại tại MKS PAMP, công ty giao dịch kim loại quý, nhận định giá vàng đạt đỉnh thấp hơn khoảng 75 USD vào tháng 11 nếu PBOC chỉ mua 32 tấn vàng. Trong khi đó, giá vàng hồi tháng 11 giao dịch ở mức 1.787 USD/ounce và từ đó đã lên 1.800 USD.
Đối với Nga, các biện pháp trừng phạt đã gây ra những vấn đề đáng lo ngại với ngành khai thác vàng của nước này - có sản lượng lớn nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc, đối với việc bán ra nước ngoài. Theo MKS PAMP, Nga sản xuất khoảng 300 tấn vàng mỗi năm nhưng thị trường nội địa chỉ có 50 tấn.
Tích trữ vàng
Các ngân hàng trung ương đang nỗ lực đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ. Nhưng phần lớn trong số hàng trăm tấn vàng được mua bởi những bên không tiết lộ danh tính.
Trong hơn 10 năm qua, các ngân hàng trung ương và tổ chức chính phủ đã tăng cường tích trữ vàng. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm xói mòn niềm tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ và những tài sản bằng USD khác, các tổ chức này phải đẩy mạnh đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Theo ông Nikos Kavalis - Giám đốc điều hành của công ty kim loại quý Metals Focus, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tăng mua vàng. Bởi giá kim loại quý đã đi lên trong vài năm qua, và tài sản này cũng không bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác.
"Tôi sẽ không bất ngờ nếu các nền kinh tế thiên về hàng hóa muốn đẩy mạnh mua vàng. Họ không còn lựa chọn nào tốt hơn", ông Steen Jakobsen - Giám đốc đầu tư tại Saxo - khẳng định.
"Tôi tin rằng giá vàng sẽ tăng mạnh", vị chuyên gia khẳng định.
Vàng |
Tình trạng trên một phần do vàng trở nên hấp dẫn trở lại trong thời kỳ bất ổn và lạm phát cao. Về lâu dài, vàng được coi là nguồn dự trữ giá trị và không phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế nào trong khi miễn nhiễm với những bất ổn về chính trị và tài chính.
Cũng có thể các ngân hàng trung ương cho rằng vàng hiện nay đang là món hời. Mặc dù giữ giá hơn so với hầu hết các loại kim loại khác, giá vàng đã giảm 3% trong năm nay và được kỳ vọng sẽ phục hồi.
Tuy nhiên, giống như trước đây, vàng miếng cũng là một cách tiêu USD, trừ việc lần này, không phải châu Âu mà các thị trường mới nổi mới là khách mua vàng.
Các thị trường này cần USD để thanh toán hàng nhập khẩu và trả nợ nước ngoài. Nhưng dự trữ của họ chủ yếu bằng trái phiếu kho bạc thay vì tiền giấy.
Giá vàng tăng, ‘cá mập’ Trung Quốc tiếp tục 'nói không' với vàng
Dòng tiền đổ xô vào các quỹ ETF vàng trước tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng