Các nước Baltic cắt đứt quan hệ với lưới điện Nga, chuẩn bị hội nhập EU
Ba nước đã rời khỏi hệ thống điện chung IPS/UPS của Nga và chuẩn bị đồng bộ hóa với lưới điện EU vào lúc 12:00 GMT ngày Chủ Nhật sau khi tự vận hành trong thời gian chờ đợi.
Ngày 8/2, ba quốc gia vùng Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - chính thức ngắt kết nối hệ thống điện của họ khỏi lưới điện của Nga. Đây là một phần trong kế hoạch tăng cường hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và củng cố an ninh năng lượng khu vực.
Ba nước đã rời khỏi hệ thống điện chung IPS/UPS của Nga và chuẩn bị đồng bộ hóa với lưới điện EU vào lúc 12:00 GMT ngày Chủ Nhật sau khi tự vận hành trong thời gian chờ đợi. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ phát biểu tại buổi lễ đánh dấu sự kiện này, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thay đổi chiến lược.
Bộ trưởng Năng lượng Lithuania, Zygimantas Vaiciunas, phát biểu trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi đã đạt được mục tiêu mà chúng tôi phấn đấu bấy lâu nay. Giờ đây, chúng tôi kiểm soát hoàn toàn hệ thống năng lượng của mình".
Ngay sau khi ngắt kết nối, các công nhân Latvia đã dùng cần cẩu cắt bỏ đường dây điện cao thế ở Vilaka, cách biên giới Nga chỉ 100mét. Những sợi dây đã cắt nhỏ được trao làm kỷ niệm cho những người chứng kiến sự kiện này. Bộ trưởng Năng lượng Latvia, Kaspars Melnis, khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng đường dây này nữa. Tương lai của chúng tôi nằm ở châu Âu".
![]() |
Ngày 8/2, ba quốc gia vùng Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - chính thức ngắt kết nối hệ thống điện của họ khỏi lưới điện của Nga. Ảnh minh hoạ |
Kế hoạch tách khỏi lưới điện Nga đã được các quốc gia Baltic xem xét trong nhiều thập kỷ và trở nên cấp thiết hơn sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Đây cũng là liên kết cuối cùng giữa ba nước và Nga kể từ khi họ tuyên bố độc lập vào đầu những năm 1990 và gia nhập EU cùng NATO vào năm 2004.
Kể từ sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, ba quốc gia Baltic đã ngừng nhập khẩu điện từ Nga nhưng vẫn dựa vào lưới điện của nước này để duy trì tần số ổn định. Việc tách rời hoàn toàn đánh dấu bước ngoặt quan trọng, giảm sự phụ thuộc và ngăn chặn khả năng Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí.
Ngoại trưởng Estonia, Margus Tsahkna, nhấn mạnh: " Bằng cách chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng của các nước vùng Baltic vào Nga, chúng ta đang khiến kẻ xâm lược không còn lựa chọn sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại chúng ta".
Cảnh giác trước các rủi ro, quân đội và lực lượng an ninh Latvia đã tăng cường tuần tra tại trạm biến áp Rezekne gần biên giới Nga. Khu vực Baltic đang trong tình trạng báo động cao sau hàng loạt vụ gián đoạn hệ thống điện, viễn thông và đường ống khí đốt được cho là do tàu kéo neo của Nga gây ra. Bộ trưởng Melnis khẳng định: "Hệ thống ổn định, quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, không ai nhận thấy có điều gì bất thường".
Các chuyên gia nhận định, việc duy trì nguồn cung điện liên tục đòi hỏi sự ổn định về tần số lưới điện. Khi không còn đồng bộ với hệ thống lớn như của Nga hay châu Âu, các quốc gia Baltic sẽ cần thời gian để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Để đối phó với nguy cơ mất cân bằng, Lithuania đã lên kế hoạch dự phòng, bao gồm việc tạm thời ngắt kết nối một số khu vực sử dụng điện lớn như nhà máy để bảo toàn nguồn cung.
Việc hội nhập vào lưới điện EU không chỉ củng cố chủ quyền năng lượng mà còn mang lại lợi ích kinh tế dài hạn. Đây là bước tiến lớn giúp khu vực Baltic tiến gần hơn tới một hệ thống năng lượng ổn định, độc lập và bền vững hơn.
>> Mỹ phát hiện ‘kho báu’ khổng lồ từ sa mạc, cả thế giới khao khát