Siêu dự án thủy điện mới của Trung Quốc dự kiến tạo ra lượng điện gấp 3 lần đập Tam Hiệp, song có thể dẫn đến rủi ro cho nước láng giềng như Ấn Độ, Bangladesh.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đang là "bá chủ" thủy điện của thế giới, với số lượng đập lớn đang hoạt động nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Dẫu vậy, tham vọng về thủy điện của quốc gia này vẫn chưa dừng lại khi đang bắt tay vào xây dựng siêu đập thủy điện đầu tiên tại sông Yarlung Tsangpo – một trong những con sông lớn và cao nhất trên thế giới, gần biên giới với Ấn Độ.
Siêu đập gấp 3 đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp hiện là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, sở hữu hơn 30 máy phát điện, mỗi máy nặng 6.000 tấn, công suất đạt 22,5 triệu kilowatt điện (tương đương 22,5 gigawatt).
Đập Tam Hiệp hiện là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới. |
Tuy nhiên, siêu dự án thủy điện mới của Trung Quốc có công suất dự kiến lên tới 60 gigawatt, đồng nghĩa với việc tạo ra lượng điện gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp.
Siêu đập này nằm ở một trong những địa hình nguy hiểm nhất thế giới - khu vực từ lâu được cho là không thể vượt qua.
Công trình này sẽ được xây dựng trên sông Yarlung Tsangbo, ở đoạn trước khi con sông ra khỏi Himalaya và chảy vào Ấn Độ, dọc theo hẻm núi dài nhất và sâu nhất thế giới.
Hẻm núi Brahmaputra nắm giữ trữ lượng nước chưa được khai thác lớn nhất châu Á, trong khi dòng chảy mạnh của sông Yarlung Tsangpo trở thành nơi tập trung tiềm năng thủy điện lớn bậc nhất. Sự kết hợp này như thỏi nam châm hút các nhà xây dựng đập thủy điện ở Trung Quốc.
Hơn nữa, khu vực xung quanh sông Yarlung Tsangpo cũng có mật độ dân cư tương đối thưa thớt (khoảng 14.000 người). Do đó, chi phí đền bù và nhân lực sẽ thấp hơn so với việc xây dựng ở những nơi đông dân.
Mối lo của các nước láng giềng
Tuy nhiên, siêu đập cũng được cho là dự án rủi ro nhất thế giới vì nó được xây dựng trong khu vực có nhiều hoạt động địa chấn. Điều này khiến siêu đập có khả năng trở thành quả bom nước đối với các cộng đồng ở hạ lưu ở Ấn Độ và Bangladesh.
Phía Đông Nam của cao nguyên Tây Tạng là nơi dễ xảy ra động đất do nó nằm trên đường đứt gãy địa chất, nơi các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á – Âu va vào nhau.
Năm 2008, trận động đất ở Tứ Xuyên, dọc theo vành đai phía Đông của cao nguyên Tây Tạng đã khến ít nhất 87.000 người thiệt mạng, làm dấy lên những lo ngại về hiện tượng địa chấn do hồ chứa nước (RTS) gây ra.
Sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng, nơi Trung Quốc xây siêu đập thủy điện. |
Nhưng ngay cả khi không có động đất, siêu đập mới có thể là mối đe dọa đối với các cộng đồng ở hạ lưu nếu những cơn mưa xối xả gây ra lũ quét ở Great Bend của sông Brahmaputra. Khoảng 400 triệu người Trung Quốc đã gặp nguy hiểm vào 2 năm trước sau trận lũ lụt kỷ lục gây nguy hiểm cho đập Tam Hiệp.
Đi cùng với nguy cơ tiềm ẩn sẽ là gánh nặng về môi trường. Dự án siêu đập thủy điện có thể tàn phá môi trường khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến Bangladesh ở cuối dòng sông.
Thậm chí thiệt hại về môi trường còn có thể sẽ lan rộng ra khắp Tây Tạng - một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới.
Trong khi đó, tờ Reuters dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ và Bangladesh còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước và thiếu lương thực. Do việc kiểm soát và chuyển hướng dòng nước thông qua siêu đập có thể mang đến cho Trung Quốc khả năng “cắt đứt nguồn cung cấp lương thực cho nước láng giềng”.