Các nước xuất khẩu "rục rịch" vì khí đốt giá rẻ của Nga

25-05-2022 11:58|Khánh Nhi

Các nước phương Tây đang tìm mọi cách để cắt đứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga trong bối cảnh giá nhiên liệu cao kỷ lục.

Phương Tây đang tìm mọi cách để cắt đứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga trong bối cảnh giá nhiên liệu cao kỷ lục. Tuy nhiên, phương Tây cần phải chấp nhận trả giá nếu muốn chiến tranh kết thúc và tích cực tìm nguồn năng lượng thay thế – cùng lúc hai diễn đàn quốc tế ở Davos, Thụy Sĩ và Daegu, Hàn Quốc nhấn mạnh.

Iran mất các khách hàng truyền thống

Khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) được sử dụng trong mọi thứ, từ sưởi ấm và nấu ăn đến cung cấp năng lượng cho xe hơi, là một nguồn thu nhập chủ chốt của Iran, quốc gia Trung Đông đang bị các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng những lô hàng từ Nga có thể gặp rủi ro khi phương Tây tẩy chay, Moscow buộc phải săn lùng những khách hàng tiềm năng mới cho hàng hóa xuất khẩu của mình, bao gồm khí đốt.

Seyed Hamid Hoseini, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu dầu của Iran, nói với báo Entekha: “Chúng tôi đã bán khí đốt cho Afghanistan và Pakistan với giá khoảng 600-700 đô la/tấn. Nhưng gần đây Afghanistan nói chỉ mua hàng khi giá còn 450 đô la”. Như vậy, nguồn khí hóa lỏng của Nga rẻ hơn các nước từ 25-40%

Dòng khí đốt rẻ hơn của Nga đã gây áp lực buộc các nhà cung cấp khác trong khu vực như Kazakhstan và Uzbekistan phải giảm giá. Các thị trường xăng dầu và nhiên liệu diesel cũng biến động.

Theo trang tham khảo Worldometer, Iran sản xuất 255 tỉ mét khối khí tự nhiên khô mỗi năm, trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga. Khoảng 2/3 trong số đó được sử dụng trong nước cho nhu cầu dân cư, nhà máy và các cơ sở cung cấp điện. Phần còn lại được xuất khẩu.

Iran có các hợp đồng bán khí đốt cho Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Pakistan, cũng như các hợp đồng hoán đổi khí đốt với Azerbaijan. Nhưng các nhà phân tích cho rằng chỉ có Iraq là có thể tiếp tục là khách hàng trong dài hạn.

Majid Chegeni, người đứng đầu Công ty khí đốt quốc gia Iran, nói rằng Iraq đã yêu cầu Iran gia hạn hợp đồng và vẫn mong muốn mua hàng từ nước láng giềng. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về một hợp đồng hàng năm mới với Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra, với thỏa thuận hiện tại sẽ sớm kết thúc – Chegeni cho biết tại cuộc họp báo bên lề hội chợ thương mại năng lượng ở Tehran trong tuần rồi.

Iran đặt nhiều hy vọng vào nguồn thu dồi dào sau các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow, cũng như kỳ vọng rằng trật tự toàn cầu đang thay đổi có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đó đã bị đình trệ. Thay vì nắm bắt cơ hội vàng để lấp đầy khoảng trống do Nga để lại, Iran hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm giá khí đốt của mình để cạnh tranh với các lô hàng giá rẻ của Nga.

Phương Tây phải chấp nhận trả giá

Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói với các nhà lãnh đạo ngành khí đốt toàn cầu hôm 24/5 rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga phải được duy trì bất chấp tác động của chúng đối với nền kinh tế thế giới.

Các giám đốc điều hành công ty khí đốt toàn cầu từ Shell, BP, ExxonMobil, Chevron và những công ty khác, cùng với các chuyên gia trong ngành, đã tập trung tại thành phố Daegu của Hàn Quốc để tham dự hội nghị khí đốt thế giới 2020 (WGC 2022) diễn ra từ 23 đến 27-5. Đây là sự kiện lớn nhất của ngành do Liên minh Khí đốt quốc tế tổ chức. WGC 2022 sẽ thảo luận về tương lai của ngành khi những lo ngại về năng lượng chiếm vị trí trung tâm trong chính trị quốc tế sau cuộc chiến Nga – Ukraine.

Ông Ban đã mở đầu sự kiện bằng một bài phát biểu, trong đó ông nói rằng cuộc chiến đã đẩy giá dầu và khí đốt lên mức cao nhất trong gần một thập niên. Và trong khi thừa nhận rằng cuộc xung đột có “tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông cũng cho biết “bắt buộc” phải duy trì áp lực trừng phạt mặc dù dẫn đến giá năng lượng cao hơn.

Vai trò mới của Tây Ban Nha

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết đất nước của ông – và rộng hơn là khu vực Nam Âu – có thể đưa ra câu trả lời cho việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga khi khu vực này có ý định tăng gấp đôi các lệnh trừng phạt đối với Nga.

“Tôi có thể nói rằng Tây Ban Nha và Nam Âu sẽ có cơ hội đưa ra câu trả lời cho sự phụ thuộc của EU vào năng lượng hóa thạch của Nga”, ông Sanchez nói với đài CNBC tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ tối 23/5.

Ông Sanchez nhấn mạnh rằng Tây Ban Nha đại diện cho 37% tổng công suất tái khí hóa của EU – nơi khí tự nhiên dạng lỏng được biến trở lại sang dạng khí. Ông cũng cho biết bán đảo Iberia (thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) là nơi có khoảng một nửa kho LNG của EU.

Giá năng lượng đã tăng vọt trong năm nay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, gây bất ổn thị trường và các quốc gia phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Giá trên trung tâm TTF của Hà Lan, chỉ số chuẩn của châu Âu cho giao dịch khí đốt tự nhiên, đã tăng hơn gấp ba lần trong khoảng thời gian từ ngày 16/2 - 7/3.

Vấn đề an ninh năng lượng và giá năng lượng tăng cao đã trở thành trọng tâm các cuộc tranh luận chính trị tại Tây Ban Nha. Madrid là một trong những tiếng nói mạnh nhất về việc EU cần hành động để giám giá năng lượng.

Cùng với nước láng giềng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã đưa ra mức giới hạn tạm thời đối với giá khí đốt tự nhiên và than. Động thái này khiến họ trở nên khác biệt so với hầu hết các nước còn lại của EU.

Giám đốc điều hành Rosneft: 20% dầu khí chưa khai thác toàn cầu nằm ở Bắc Cực, Nga hiện sở hữu tới 80% trong số đó

Huy động công nghệ cao, siêu dự án đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung chính thức đi vào hoạt động: Dài hơn 5.000km, công suất khủng 38 tỷ m3/năm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-nuoc-xuat-khau-ruc-rich-vi-khi-dot-gia-re-cua-nga-133967.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các nước xuất khẩu "rục rịch" vì khí đốt giá rẻ của Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH